Dặc điểm/ Characteristics

Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Giáo Dục Đặc Biệt
Khoá bồi dưỡng mùa hè cho các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các tỉnh phía Bắc

Bài I  

Một số vấn đề cơ bản về chậm phát triển trí tuệ

Giảng viên: Trần Lệ Thu

Cố vấn chuyên môn: Ths. Han Van Esch

Hà Nội, tháng 6 năm 2000

Khái quát Nội dung

1. Khái niệm trí thông minh/trí tuệ

1.1 Một số định nghĩa truyền thống

1.2 Quan điểm hiện nay về trí thông minh

2. Khái niệm hành vi thích nghi

3. Khái niệm chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

3.1 Những khái niệm truyền thống về CPTTT

3.1.1 Khái niệm theo trí thông minh

3.1.2 Khái niệm theo hành vi xã hội

3.1.3 Khái niệm theo nguyên nhân của tật CPTTT

3.2 khái niệm theo bảng phân loại DSM-IV

3.3 khái niệm theo bảng phân loại AARM

4. Trí thông minh, khả năng thích ứng là những tiêu chí để chẩn đoán và phân loại mức độ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

4.1 Trí thông minh như là một tiêu chí để chẩn đoán CPTTT

4.2 Khả năng thích ứng như là một tiêu chí chẩn đoán tật CPTTT

4.3 Phân loại mức độ hỗ trợ và mức độ CPTTT

5. Một số nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

5.1 Sơ lược những nguyên nhân gây CPTTT

5.2 Những khuyết tật bổ sung

5.3 Những bệnh liên quan đến di truyền

5.4 Một số hội chứng điển hình có liên quan đến CPTTT

6. Quá trình chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) 

7. Tần số xuất hiện của khuyết tật chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

Nội dung cụ thể

Gán tên gọi chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

Nhiều người tỏ ra không phù hợp về hình dáng hoặc tính tình với một nhóm người “đặc trưng” nào đó. Phân chia mọi người thành nhóm, gán tên gọi cho họ, và xem xét những người đó có gì khác so với phần đông những người khác là một hoạt động thông thường của các ngành hoạt động về con người. Việc gán tên gọi dù là tích cực, trung hoà hay tiêu cực, cũng đều khiến một nhóm người nào đó sẽ phải tách khỏi phần đông những người còn lại.

Những người mang trong mình sự khác biệt về “chuẩn mực chung” thì bị gán tên là người chậm phát triển trí tuệ.

Hầu hết những người chưa bao giờ gặp người CPTTT đều cho rằng họ là những người khác biệt. Trong thực tế, nhận định này là hoàn toàn không đúng.

Người CPTTT sống trong cùng một xã hội với người bình thường, nhưng khi đường danh giới được vạch ra thì nó đã tách người CPTTT ra khỏi những người không bị CPTTT. Đây là một việc là hoàn toàn chuyên quyền độc đoán. Hầu hết người CPTTT không hề khác người không CPTTT. Xét về khả năng thì những người bị gán tên gọi là CPTTT và những người không bị gán tên gọi này đều có điểm chung là: đều có tình cảm, suy nghĩ, kỳ vọng…

CPTTT cũng là một khái niệm đang còn nhiều bàn bạc và chưa thể đi đến một định nghĩa chuẩn xác. Nhưng trên thực tế có những khái niệm khác nhau đã được nêu lên và sử dụng phổ biến trong quá trình học tập, nghiên cứu của các sinh viên, các nhà khoa học. Tên gọi CPTTT hay chậm phát triển tinh thần, ngu đần, thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật tinh thần ngày nay cũng còn nhiều tranh cãi.

Trong bài giảng này tôi sử dụng thuật ngữ CPTTT. Đây là thuật ngữ được dùng hiện nay trong công tác nghiên cứu và đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà nội.

1.  Khái niệm trí thông minh/trí tuệ

1.1 Khái niệm trí thông minh/ trí tuệ

Trong bài giảng này tôi thống nhất sử dụng khái niệm trí tuệ cũng là trí thông minh.

Hiện nay có khá nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ hoặc trí thông minh. Thực tế có thể khái quát thành hai cực trái ngược nhau: Một hướng quá mở rộng khái niệm trí thông minh hoặc trí tuệ, một hướng lại quá thu hẹp khái niệm này.

1.1.1 Một số định nghĩa truyền thống

•  Trí thông minh là khả năng lĩnh hội/năng lực học tập.

•  Trí thông minh là cái lĩnh hội được.

•  Trí thông minh là khả năng thích ứng với môi trường, đặc biệt là trong những môi trường mới.

•  Trí thông minh là khả năng thực hiện tư duy trừu tượng.

1.1.2 Quan điểm hiện nay về trí thông minh

AlfredBinet và Theodore Simon là những người đầu tiên phát minh ra cách kiểm tra trí thông minh vào đầu thế kỷ 20 ở Pháp. Mục đích của trắc nghiệm này là để phân biệt trẻ thông minh bình thường với trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Lewis Terman thuộc trường đại học Stanford đã xuất bản cuốn sách trắc nghiệm của Binet bằng tiếng Anh vào năm 1916 có tựa đề Stanford Binet. Điểm số của trắc nghiệm bao gồm cả tuổi trí tuệ (gọi tắt là MA) , đó là sự đo lường mức độ phát triển trí tuệ mà một trẻ nào đó đã đạt được. Tuổi trí tuệ chia cho tuổi thực (CA) và nhân với 100 thì ra ra chỉ số thông minh IQ ), có thể thể hiện bằng công thức cụ thể như sau (vd: Trắc nghiệm Godenough)

IQ = MA/CA x 100

Hệ số thông minh = Tuổi trí tuệ/ tuổi thực x 100

Trong những cố gắng hiện nay nhằm định nghĩa trí thông minh là gì, người ta cho rằng trí thông minh là những gì cho phép ta thích ứng được với hoàn cảnh .

Nhiều nhà nghiên cứu đã phân biệt giữa trí thông minh học đường (khả năng trí tuệ được đo bởi việc thực hiện những nhiệm vụ thông thường ở trường học hoặc qua các trắc nghiệm về chỉ số thông minh đã được chuẩn hoá) với trí thông minh thực tiễn (khả năng trí tuệ được phản ánh qua quá trình thực hiện thành công trong hoàn cảnh tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày và ở ngoài trường học).

Người đạt điểm số cao về trí thông minh học đường không có nghĩa là sẽ đạt được trí thông minh thực tiễn cao và ngược lại.

•  Kết luận chung

Theo quan điểm chung hiện nay thì trí thông minh không phải được bày ra dưới dạng có sẵn, mà nó được hình thành trong quá trình hoạt động trên cơ sở những tố chất hay những đặc điểm giải phẫu- sinh lý bẩm sinh.

Nói chung, sử dụng các trắc nghiệm đo chỉ số thông minh có thể đoán biết được khả năng học tập ở nhà trường của một người nào đó ít nhất là đối với những người ở nước phát minh ra các loại trắc nghiệm IQ.

Như trên đã trình bày, mặc dù cho đến nay chưa có một khái niệm nào về trí thông minh được đa số các nhà nghiên cứu thoả mãn và thừa nhận, nhưng để phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập một số khái niệm đã được đưa ra và sử dụng rộng rãi, như ở phương tây các nhà khoa học theo quan điểm Thao tác đã định nghĩa trí thông minh thông qua phương tiện đo lường; chẳng hạn như E.R.Hilgard (Ba Lan) đã định nghĩa: “ trí thông minh là cái mà các trắc nghiệm trí tuệ đo được ”. Blâykhe và Burơlachuc đã đưa ra một định nghĩa dùng để làm việc như sau: “ Thông minh- đó là một cấu trúc động, tương đối độc lập của các thuộc tính nhận thức của nhân cách, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện văn hoá- lịch sử quy định và chủ yếu bảo đảm cho sự tác động qua lại phù hợp với hiện thực xung quanh, cho sự cải tạo mục đích hiện thực ấy ” (V.M.Blâykhe, L.Ph. Burơlachuc 1978,46).

2.  Khái niệm hành vi thích nghi/thích ứng

Vào khoảng năm 1930, người ta vẫn quan tâm chủ yếu vào các kết quả trắc nghiệm đo trí lực, cho tới khi Edgar Doll đưa ra lý luận là mức thành thục về mặt xã hội, mà giờ đây được coi là khả năng thích ứng hành vi, phải được xem xét đầu tiên khi tiến hành chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ.

Từ năm 1959, trong định nghĩa của AAMR về chậm phát triển trí tuệ đã đề cập tới vấn đề hành vi thích nghi nhằm bổ xung cho quá trình đo trí tuệ. Hành vi thích nghi là chất lượng của những biểu hiện thường ngày khi con người phải đối phó với các đòi hỏi thuộc môi trường.

Trong tài liệu: Chẩn đoán, phân loại và Hệ thống hỗ trợ của AAMR năm 1992 đã nêu lên sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ về hành vi thích nghi cho đối tượng chậm phát triển trí tuệ ( Luckasson và cộng sự,1992). Trong hệ thống này, 10 lĩnh vực sau đây được coi là quan trọng để chẩn đoán CPTTT: giao tiếp, tự chăm sóc, cuộc sống gia đình, kỹ năng xã hội, sử dụng tiện ích tại cộng đồng, sức khoẻ và độ an toàn, học tập, giải trí và lao động.

Các khả năng thích nghi giúp cho con người có được lối sống khá bình thường. Phần lớn những người có khả năng cư xử bình thường trong xã hội thì đều có thể giải quyết được tốt các đòi hỏi của môi trường sống. Tuy vậy, những người chậm phát triển trí tuệ thường khó thích nghi, do đó kém về mặt tương tác xã hội, khó được chấp nhận cũng như khó hoà nhập. Mức yếu kém về mặt thích nghi kết hợp với hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình cần được chẩn đoán để xác định hiện tượng chậm phát triển trí tuệ.

Theo bảng phân loại DSM-IV (sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần- IV 1997, Hiệp hội tâm thần Mỹ), khả năng thích nghi đề cập đến mức độ đáp ứng những đòi hỏi chung của cuộc sống và mức độ đáp ứng những tiêu chuẩn độc lập cá nhân- những tiêu chuẩn mà những người cùng tuổi đạt được trong cùng hoàn cảnh văn hoá, xã hội và môi trường cộng đồng.

Kết luận

Có thể nói rằng hành vi thích nghi gồm có một số các kỹ năng ứng xử, khi kết hợp lại, tạo điều kiện cho mỗi con người hội nhập được với cộng đồng.

3.  Khái niệm chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

3.1 Những khái niệm cổ truyền về CPTTT

3.1.1 Khái niệm theo trí thông minh

Một số chuyên gia xác định tật CPTTT bằng cách sử dụng các trắc nghiệm về trí thông minh. Ví dụ, theo họ những người có chỉ số thông minh dưới dưới 70 bị coi là chậm phát triển trí tuệ.

Trong thực tế, nhiều chuyên gia vẫn sử dụng trắc nghiệm về chỉ số thông minh để chẩn đoán tật CPTTT, Trên cơ sở những kết quả của trắc nghiệm về trí thông minh, họ có thể chẩn đoán liệu người này có bị CPTTT hay không. Phương pháp này có ưu điểm là khách quan và đáng tin cậy. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng, không nên coi chỉ số thông minh là đơn vị đo lường duy nhất về tiềm năng của một người.

Hạn chế của phương pháp này là không phải lúc nào những thể hiện trên trắc nghiệm về chỉ số thông minh và khả năng thích nghi của đứa trẻ cũng tỉ lệ thuận với nhau. Có nhiều trường hợp trẻ đạt chỉ số thông minh thấp nhưng lại thích nghi dễ dàng với môi trường. Nhược điểm lớn nhất khi xác định trẻ có bị CPTTT hay không bằng trắc nghiệm chỉ số thông minh là: những trắc nghiệm kiểu này tỏ ra vô hiệu đối với trẻ em nghèo khó và trẻ có nguồn gốc văn hoá khác.

3.1.2 Khái niệm theo hành vi xã hội

Nhiều tác giả không ưa sử dụng trắc nghiệm về chỉ số thông minh để đoán biết mức độ CPTTT mà lại thích dựa vào mức độ thích nghi với môi trường và văn hoá của một cá nhân.

Năm 1954 Benda đã đưa ra một định nghĩa như sau:

“M ột người CPTTT là người không có khả năng điều khiển bản thân và xử lý các vấn đề của riêng mình, hoặc phải được dạy mới biết làm, họ có nhu cầu về sự giám sát, kiểm soát và chăm sóc cho sức khoẻ của bản thân mình và cần đến sự chăm sóc của cộng đồng “.

Nhận định này cho rằng người CPTTT là người trong quá trình phát triển và trưởng thành không có khả năng đạt được cuộc sống độc lập.

Nhược điểm thứ nhất của cách tiếp cận này là một cá nhân có thể bị coi là khuyết tật trong môi trường này những lại không gặp khó khăn gì ở môi trường khác.

Nhược điểm thứ hai của cách tiếp cận này là khó mà xác định cụ thể trẻ không thích nghi được. Các chuyên gia còn chưa thống nhất được với nhau thế nào là thích nghi được.

Nhược điểm thứ ba của khái niệm CPTTT dựa theo khả năng thích ứng xã hội kém là có thể có những nguyên nhân khác ngoài CPTTT gây nên sự thiếu hụt của hành vi thích ứng. Có nhiều người do một số trục trặc về tình cảm đã ảnh hưởng đến khả năng sống độc lập của họ.

3.1.3 Khái niệm theo nguyên nhân của tật chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

Một cách tiếp cận thứ ba để định nghĩa tật CPTTT đó là dựa trên những xem xét có tính chất lý luận để tìm hiểu nguyên nhân hoặc tính chất cơ bản của loại khuyết tật này. Theo định nghĩa của Luria (1966) thì: ” Trẻ CPTTT là những trẻ mắc phải bệnh về não rất nặng từ khi còn trong bào thai hoặc trong những năm tháng đầu đời. Bệnh này cản trở sự phát triển của não, do vậy nó gây ra những phát triển không bình thường về tinh thần…Trẻ CPTTT dễ dàng được nhận ra do khả năng lĩnh hội ý tưởng và khả năng tiếp nhận thực tế bị hạn chế 

Theo Luria, tổn thương não là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm phát triển. Hạn chế của phương pháp chẩn đoán này là có nhiều trẻ em và người lớn là CPTTT nhưng lại không phát hiện được những khiếm khuyết trong hệ thần kinh của chúng.

3.2 khái niệm theo bảng phân loại DSM-IV

Tiêu chí chẩn đoán CPTTT theo bảng phân loại DSM-IV:A. Chức năng trí tuệ dưới mức độ trung bình: là chỉ số thông minh đạt gần 70 hoặc thấp hơn 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân (đối với trẻ nhỏ, người ta dựa vào các đánh giá lâm sàng để xác định).•  Bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất là hai trong số những hành vi thích ứng sau: giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, kỹ năng xã hội/liên cá nhân, sử dụng các tiện ích trong cộng đồng, tự định hướng,kỹ năng học đường chức năng, làm việc, giải trí, sức khoẻ và độ an toàn.C. Tật xuất hiện trước 18 tuổi.DSM-IV, 1994

Đặc điểm chẩn đoán

Đặc điểm cơ bản của tật CPTTT ( bảng phân loại DSM-IV gọi là Chậm phát triển tinh thần ) là hoạt động trí năng dưới mức trung bình- tức là chỉ số thông minh đạt khoảng từ 70 hay thấp hơn (Tiêu chí A) và bị hạn chế đáng kể ít nhất là hai trong số những kỹ năng thích ứng được nêu(Tiêu chí B). Tật xuất hiện từ lúc trẻ trước 18 tuổi (tiêu chí C).

3.3 khái niệm theo bảng phân loại AARM

 Tiêu chí chẩn đoán tật CPTTT theo bảng phân loại AARM:CPTTT là những hạn chế lớn về khả năng thực hiện chức năng. Đặc điểm của tật là:•  Hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình.•  Hạn chế về hai hoặc nhiều hơn những kỹ năng thích ứng như: kỹ năng giao tiếp/liên cá nhân, tự phục vụ, sống tại gia đình, sử dụng các tiện ích tại cộng đồng, tự định hướng, sức khoẻ, an toàn, kỹ năng học đường chức năng, giải trí, lao động.•  Tật CPTTT xuất hiện từ trước 18 tuổi. Theo Luckasson và các đồng nghiệp, 1992

Đặc điểm chẩn đoán:

Đặc điểm cơ bản của tật CPTTT được biểu thị ở hoạt động trí năng dưới mức độ trung bình. Điều này được xác định khi chỉ số thông minh chỉ đạt từ 70 đến 75 hoặc thấp hơn., dựa trên kết quả của một hoặc hơn một trắc nghiệm cá nhân về trí thông minh. Điểm số của trắc nghiệm phải được sự đánh giá của một nhóm chuyên gia và sử dụng các trắc nghiệm bổ sung hoặc các thông tin đánh giá. Và thường đi kèm với: Hạn chế về kỹ năng thích nghi, về hai hoặc hơn hai kỹ năng thích nghi đã nêu. Tật CPTTT xuất hiện trước 18 tuổi.

Kết luận chung

Cho đến nay, định nghĩa về CPTTT được sử dụng rộng rãi nhất là định nghĩa theo bảng phân loại DSM-IV và định nghĩa theo bảng phân loại do AARM – định nghĩa được thông qua bởi Hội CPTTT của Mỹ.

Những định nghĩa này sử dụng các tiêu chí cơ bản giống nhau ví dụ như hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình, hạn chế về kỹ năng thích ứng, tật phát triển trước tuổi 18.

Có sự khác biệt giữa hai định nghĩa này là: bảng phân loại DSM-IV sử dụng tiêu chuẩn là trí thông minh để xác định mức độ CPTTT, còn bảng phân loại AAMR lại sử dụng tiêu chuẩn là khả năng thích ứng xã hội. Tuy nhiên cả hai bảng phân loại này đều chia làm 4 mức độ (gọi là 4 mức độ hỗ trợ).

4. Trí thông minh, khả năng thích ứng là những tiêu chí để chẩn đoán và phân loại chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

4.1 Trí thông minh như là một tiêu chí để chẩn đoán CPTTT

Theo các bảng phân loại DSM-IV và AARM chúng ta có thể thấy rằng cả hai bảng đều lấy chỉ số thông minh như một trong những tiêu chí giúp chẩn đoán CPTTT:

•  Bảng phân loại mức độ CPTTT DSM-IV: Hoạt động trí tuệ chung được xác định bởi chỉ số thông minh (gọi là IQ hoặc tương đương với IQ)- chỉ số này đo được bởi một hoặc hơn một trắc nghiệm chỉ số thông minh đã chuẩn hoá đối với cá nhân. Hoạt động trí tuệ dưới mức độ trung bình là chỉ số thông minh đạt 70 hoặc dưới 70 điểm.

•  Bảng phân loại mức độ CPTTT AAMR: Hoạt động trí tuệ dưới mức độ trung bình có nghĩa là điểm chuẩn chỉ số thông minh đạt từ 70 đến 75 hoặc thấp hơn, dựa trên đánh giá qua một hoặc hơn một trắc nghiệm trí tuệ chung được thực hiện trên cá nhân- các trắc nghiệm dùng đánh giá mức độ của hoạt động trí tuệ.

4.2 Kỹ năng thích ứng xã hội như là một tiêu chí chẩn đoán tật CPTTT

Đối với những người CPTTT, khả năng tác động vào xã hội và đạt được sự chấp nhận trong xã hội đã bị giảm đáng kể bởi những hạn chế về khả năng thích nghi. Sự yếu kém về khả năng thích nghi và hoạt động trí tuệ có thể được chẩn đoán là người đó bị CPTTT.

Việc thu thập các thông tin về khả năng thích nghi từ các nguồn tin khác nhau, ví dụ như qua đánh giá của giáo viên, qua quá trình được giáo dục, phát triển cũng như qua tiền sử sức khoẻ của đối tượng là rất hữu ích.

Người ta đã xây dựng một số thang đo lường hành vi thích nghi ví dụ như Thang đo hành vi thích nghi của Vineland và thang đo hành vi thích nghi AARM. Những thang này nói chung có thể cung cấp cho ta những thông tin rất cơ bản về một số kỹ năng thích nghi nhất định.

Theo các bảng phân loại DSM-IV và AARM chúng ta cũng thấy rằng cả hai bảng đều lấy tiêu chí thích ứng hành vi như một trong những tiêu chí giúp chẩn đoán CPTTT

4.3 Phân loại mức độ hỗ trợ và mức độ CPTTT

Sau khi xác định một người là CPTTT và bị hạn chế về kỹ năng thích nghi, thì cần tiến hành đánh giá xem người đó cần hỗ trợ cái gì. Định nghĩa của AAMR sử dụng tiêu chí thích nghi về mặt xã hội làm cơ sở để phân loại 4 mức độ hỗ trợ:

Đó là các mức độ:

•  Hỗ trợ không thường xuyên : hỗ trợ dựa trên nhu cầu. Hình thức hỗ trợ này có đặc điểm là không liên tục, một người không phải lúc nào cũng cần được hỗ trợ hoặc chỉ cần sự hỗ trợ ngắn hạn trong suốt cuộc đời. Hỗ trợ không thường xuyên có thể ở mức độ cao hoặc thấp.

•  Hỗ trợ có giới hạn : Mức độ hỗ trợ tuỳ theo thời điểm, hạn chế về thời hạn nhưng không giống với hình thức hỗ trợ không thường xuyên, hình thức hỗ trợ này cần ít nhân viên hơn, và kinh phí thấp hơn.

•  Hỗ trợ mở rộng : Hỗ trợ diễn ra đều đặn ví dụ như là hỗ trợ hàng ngày tại những môi trường nhất định có thể là ở nhà hoặc tại nơi làm việc và không hạn chế về thời gian.

•  Hỗ trợ toàn diện : Hỗ trợ thường xuyên và ở mức độ cao; hỗ trợ trong nhiều môi trường; và trong suốt cuộc đời. Hỗ trợ toàn diện đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, hình thức hỗ trợ này mang tính chất xâm nhập nhiều hơn so với hỗ trợ mở rộng và hạn chế hoặc hỗ trợ hạn chế về thời gian.

Bảng phân loại DSM-VI sử dụng trí thông minh làm tiêu chí để phân loại mức độ CPTTT. Có 4 mức độ CPTTT: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng/nghiêm trọng.

CPTTT nhẹ:IQ từ 50-55 tới xấp xỉ 70
CPTTT trung bình:IQ từ 35-40 tới 50-55
CPTTT nặng:IQ từ 20-25 tới 35-40
CPTTT rất nặng:IQ dưới 20 hoặc 25

Đặc biệt trước đây, các mức độ CPTTT thường đề cập đến các loại giáo dục như sau:

Mức độĐộ phân giải củachỉ số IQMức độ giáo dục
CPTTT loại nhẹ50-55-70CPTTT có thể giáo dục được
CPTTT loại trung bình35-40 đến 50-55CPTTT có thể luyện tập được
CPTTT loại nặng20-25 đến 35-40Khuyết tật mức độ nặng/đa tật (nằm một chỗ)
CPTTT loại nghiêm trọngdưới 20 hoặc 25Khuyết tật mức độ nghiêm trọng/đa tật (nằm một chỗ).

Bảng phân loại giáo dục này không nên được sử dụng bởi vì các thuật ngữ ở đây nhận định sai lầm và cho rằng không có chương trình giáo dục nào có thể đem lại lợi ích cho trẻ CPTTT loaị trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng.

5. Một số nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

5.1 Sơ lược những nguyên nhân gây CPTTT

5.1.1 Trước khi sinh

5.1.1.1. Do gen (có nguyên nhân từ trước)

•  Lỗi nhiễm sắc thể: hội chứng đao, cri-du-chat, Turner. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây CPTTT. Với những đứa trẻ mắc phải hội chứng này, người ta còn có thể quan sát được nhiều rối loạn bên ngoài chỉ bằng mắt thường.

•  Lỗi gen: Hội chứng PKU, san filippo, chứng xơ cứng dạng củ, gẫy nhiễm sắc thể, Rett, William Beuren, Angelman, Prader Willy.

•  Rối loạn do nhiều yếu tố: nứt đốt sộng, quái tượng không não, tràn dịch màng não, tật đầu nhỏ, rối loạn chức năng tuyến giáp.

5.1.1.2. Do các yếu tố ngoại sinh

•  Do lây nhiễm: sởi rubella hay còn gọi là sởi Đức, nhiễm toxoplasma, vi rút cự bào, giang mai, nhiễm HIV.

•  Do nhiễm độc: một số loại y dược mà bà mẹ dùng chẳng hạn như thuốc chống động kinh, chất rượu cồn, chụp tia x-quang, chất độc màu da cam (thế hệ thứ hai), kháng thể RH.

•  Suy dinh dưỡng ở người mẹ hoặc thiếu i ốt trong thức ăn hoặc nước uống.

5.1.2 Trong khi sinh

5.1.2.1. Thiếu ô-xy ở trẻ

•  Những vấn đề do nhau thai, sinh quá lâu, trẻ không thở hoặc không khóc ngay sau khi sinh.

5.1.2.2. Tổn thương trong lúc sinh

•  Tổn thương não do mẹ đẻ khó hoặc do dùng phóc-sép (một dụng cụ y tế dùng để kéo đầu trẻ)

5.1.2.3. Viêm nhiễm

– Vi rút Herpes, giang mai.

5.1.2.4. Đẻ non hoặc thiếu trọng lượng

– Đẻ non hoặc thiếu trọng lượng (tức là thời gian mang thai của bà mẹ thì đủ nhưng trọng lượng của đứa trẻ thì thiếu).

5.1.3 Sau khi sinh

5.1.3.1. Viêm nhiễm

Viêm màng não gây ra do bệnh sởi, ho gà, quai bị, thuỷ đậu, và viêm phổi (có thể gây ra bệnh tràn dịch màng não sau này). Trong số những loại bệnh này, có thể ngăn chặn bằng vắc xin. Đôi khi, việc dùng vắc xin có thể gây viêm màng não.

5.1.3.2. Tổn thương

Tổn thương não do trấn thương đầu nặng, hoặc do ngạt

5.1.3.3. U não

Tổn thương do khối u; hoặc do các hoạt động chỉnh trị như: phẫu thuật, chỉnh trị bằng tia phóng xạ hoặc dùng hoá chất, chảy máu.

5.1.3.4 Nhiễm độc

Chẳng hạn như nhiễm độc chì.

5.1.3.5. Suy dinh dưỡng, bị lạm dụng, kích thích dưới ngưỡng hoặc bị bỏ rơi.

•  Một số hội chứng kể trên mang tính ổn định tức là không lây lan hoặc phát triển chẳng hạn như chứng rối loạn nhiễm sắc thể, lây nhiễm hoặc tổn thương.

Nhưng lại có một số hội chứng phát triển. Sau một giai đoạn nhất định, xảy ra hiện tượng dị biến trong sự phát triển của trẻ và từ sau đó sự phát triển của trẻ sẽ bị ngưng lại hoặc giảm sút chẳng hạn như do sự sai lệch về chuyển hoá bẩm sinh như PKU, San Filippo, Rett.

Những vấn đề khác chẳng hạn như động kinh và liệt cứng có thể làm cho tật của trẻ nặng thêm.

5.1.4 Các nguyên nhân môi trường

Phát hiện nguyên nhân gây tật CPTTT không phải là một việc dễ dàng. CPTTT thường là hệ quả của sự tác động phức tạp do nhiều loại nguyên nhân.

Những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đứa trẻ là:

•  Không được chăm sóc đầy đủ về y tế và thể chất.

•  Thiếu thốn về tâm lý xã hội.

•  Sử dụng ngôn ngữ một cách rất hạn chế trong gia đình.

•  Việc nuôi dưỡng đứa trẻ nói chung theo cách là cuộc sống của nó do người khác định đoạt.

•  ít có cơ hội đến trường.

5.2 Những khuyết tật bổ sung

Cùng với CPTTT, một số những vấn đề khác cũng có thể nảy sinh cụ thể như:

•  Tật vận động

•  Liệt cứng (bị mất sức và không thể tự vận động; tăng lực cơ, phản xạ gân xương tăng) bệnh này có thể gây ra các tật chẳng hạn như vẹo cột sống, trật khớp hông, co cứng, loét do áp lực.

•  Bệnh liệt cứng thường đi kèm với chứng khó nuốt, là nguyên nhân gây bệnh viêm phổ (do thức ăn hoặc chất dịch ở trong phổi).

•  Những khó khăn vận động khác có thể là: thất điều (có nghĩa là sự điều phối cơ bị cản trở), chứng múa vờn hoặc múa giật hoặc run.

•  Động kinh (gây tổn thương và giòn xương)

•  Rối loạn thính giác và thị giác

•  Tật bẩm sinh ở các bộ phận

– thiểu năng tuyến giáp, bệnh tim bẩm sinh, thoát vị khe thực quản (với chứng phản hồi dạ dày thực quản), tiểu tiện không tự chủ, táo bón.

•  Gãy xương

Gãy xương do bị ngã (do những tật vận động hoặc trong lúc bị động kinh) hoặc chứng loãng xương (do thiếu can xi ở xương chủ yếu là do ít vận động).

•  Rối loạn tâm thần

– Rối loạn tâm thần (tự kỷ, tăng động giảm tập trung, rối loạn tâm khí, trầm cảm, hung dữ, tâm thần).

5.3 Những bệnh liên quan đến di truyền

5.3.1 Những bệnh liên quan đến giới tính

Khi một gen lỗi xuất hiện trong một nhiễm sắc thể X, phần lớn là ở các bé gái thì gen này thường lặn, bởi vì trong nhiễm sắc thể X còn lại của em còn có một gen bình thường khác và trội lên. Gen lỗi của bé trai luôn thể hiện ra bên ngoài, và bé trai này sẽ mắc bệnh do gien có liên quan đến giới tính.

5.3.2 Các chứng rối loạn nhiễm sắc thể

•  Bệnh ba nhiễm sắc thể giới tính: trong một cặp nhiễm sắc thể, lại xuất hiện thêm một nhiễm sắc thể nữa (ví dụ những trẻ bị hội chứng đao: ở cặp số 21, xuất hiện thêm một nhiễm sắc thể, tương tự như vậy ở cặp thứ 18 xuất hiện thêm một nhiễm sắc thể nữa (Hội chứng Ewards) và hiện tượng ba nhiễm sắc thể xuất hiện ở cặp số 13 (Hội chứng Patau).

•  Hoán vị: một nhiễm sắc thể ( hay chỉ một phần của nó) bị dính vào nhiễm sắc thể kia. Trong hoán vị “cân bằng”, số nhiễm sắc thể trong một tế bào thì đủ nhưng hai trong số các nhiễm sắc thể ở đó lại dính vào nhau: khi phát hiện thấy dấu hiệu này ở cha hoặc mẹ, mặc dù là một người bình thường nhưng nguy cơ xảy ra trục trặc trong quá trình phân bố nhiễm sắc thể trong các tế bào phôi lên tới 50%. Nếu xảy ra hoán vị “bất cân bằng”, thì tổng số nhiễm sắc thể lại khác (hiện tượng này xảy ra ở 4% trẻ mắc hội chứng đao).

•  Hiện tượng khảm: có một tỷ lệ các tế bào được kiểm nhiệm bị phát hiện thấy có hiện tượng rối loạn nhiễm sắc thể; còn những tế bào khác vẫn mang nhiễm sắc thể bình thường.

•  Thiếu cả một nhiễm sắc thể (Hội chứng Turner)

•  Thiếu một phần của nhiễm sắc thể (bị mất) hoặc gen đơn lẻ (mất ít): ví dụ như các hội chứng cri-du-chat, một phần của cặp nhiễm sắc thể số 5 bị mất và Hội chứng William Beuren tức là ở cặp số 7 bị mất một phần.

5.3.3 Các bệnh do gien ở trẻ CPTTT

•  Bệnh di truyền lặn do nhiễm sắc thể thường:

Hầu hết là các bệnh liên quan đến quá trình chao đổi chất chẳng hạn như PKU, muco-poly-sacha-ridosis (bệnh của Hít le, bệnh San Filippo).

•  Bệnh di truyền trội do nhiễm sắc thể thường: chứng xơ cứng dạng củ.

•  Bệnh di truyền lặn liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính:

Hội chứng gãy nhiễm sắc thể (chủ yếu là các bé trai mắc phải)

•  Bệnh di truyền trội liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính: Hội chứng Rett (các bé gái thường mắc phải bệnh này, còn bé trai sẽ chết trước khi sinh).

•  Di truyền chức năng vẫn đang được nghiên cứu và chưa cho kết quả rõ ràng: Hội chứng Angelman, Hội chứng Prader-Willi (tỷ lệ rủi ro là 1-50%).

•  Nếu phát hiện thấy một nhiễm sắc thể đã hoán vị ở một đứa trẻ, thì phải kiểm tra cả cha mẹ của nó để xem họ có mang hội chứng hoán vị cân bằng không (xem ở trên). Nếu có, nguy cơ sinh con có vấn đề do nhiễm sắc thể gây ra có thể lên tới 25%. Nếu cha hoặc mẹ mang hội chứng này, nên kiểm tra cả con gái hoặc con trai của họ.

5.4 Một số hội chứng điển hình có liên quan đến chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

5.4.1 Hội chứng đao (Bệnh 3 nhiễm sắc thể)

Triệu chứng:

– Hộp sọ có hình dạng khác: đầu ngắn, đường kính của hộp sọ ngắn.

•  Tóc mỏng, thẳng và thưa.

•  Triệu chứng trên mặt: mặt tròn, mũi tẹt, có nếp quạt (tức là có một nếp gấp hình bán nguyệt ở da tre lấy khoé trong của mắt): 50% trẻ có hội chứng đao có khoé mắt ngoài cao hơn khoé mắt trong, có nốt Brushfield (là những nốt trắng nằm ở mép ngoài của tròng đen): 80%, rung giật nhãn cầu (cử động nhãn cầu của mắt sang hai bên diễn ra với tốc độ cao và khó tự chủ) miệng luôn há (lưỡi thè ra ngoài, tai nhỏ): 65%.

•  gáy mỏng và dẹt.

•  Chi ngắn; bàn tay bè; ngón ngắn; ngón út quặp vào trong, bàn chân bè, đường vân tay kéo dài qua 4 ngón tay, ngõn chân cái choẽ ra (khoảng cách giữa ngón trỏ và ngón thứ hai xa).

•  Trương lực của cơ giảm và các khớp lỏng

Một số điểm đặc trưng ở trẻ đao:

•  Có bệnh tim bẩm sinh (40%): cần được kiểm tra vào lúc mới sinh, lúc ba tháng tuổi và túc 15 tuổi.

•  Chức năng tuyến giáp kém: thiểu năng tuyến giáp (10% trẻ đao và 30% người lớn đao bị). Cần cung cấp hóc môn tuyến giáp. Cần xét nghiệm máu để kiểm tra tuyến giáp vùng cổ của trẻ đao hàng năm và sau này cứ 2-5 năm một lần.

•  Mắt và tật thị giác:

•  lác mắt: 35%;

•  đục thuỷ tinh thể: 75%

•  cận thị: 70%

•  giác mạc hình chóp (giác mạc lồi ra phía trước):10%

Ba tật cuối cùng sẽ tiến triển chậm hơn trong suốt cuộc đời của trẻ. Kiểm tra mắt và thị lục theo định kỳ: lúc sơ sinh, 3 tuổi, 6 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi và sau 40 tuổi thì cứ 5 năm một lần.

•  Tai và tật thính giác: dáy tai cản trở khả năng tiếp thu âm thanh; viêm tai giữa kinh niên; bị điếc dẫn truyền và điếc bẩm sinh: 60%. Kiểm tra thính lực vài năm một lần và lấy dáy tai hai năm một lần.

•  Hội chứng Alzheimer/động kinh ở người đao lớn tuổi:

•  30-40 tuổi: 30%

•  40-50 tuổi: 50%

•  trên 50 tuổi: trên 80%

•  Những bệnh về đường ruột và dạ dày: đường ruột bẩm sinh nhỏ: 6%

•  Leukaemia, sai khớp đốt sống cổ

•  Cản trở khi uống đối với trẻ sơ sinh và vần đề này sẽ phát sinh thường xuyên.

5.4.2 Hội chứng gãy nhiễm sắc thể X

Triệu chứng:

•  khi mới đẻ, trẻ có vẻ ngoài bình thường; có thể có những dấu hiệu “phát triển quá tốc độ” (chẳng hạn như đầu lớn hơn và cơ thể dài hơn bình thường).

•  đôi khi, trẻ bị khó uống do hở hàm ếch.

•  lên hai tuổi, hầu hết những trẻ này đều chưa biết đi hoặc chưa biết nói: cần kiểm tra máu để xét nghiệm nhiễm sắc thể/ADN kiểm tra liệu nó có mắc hội chứng gãy nhiễm sắc thể không.

•  tật cận thị, lác mắt sẽ phát triển

•  khi lớn lên, 80% nam giới có tinh hoàn lớn hơn bình thường

•  thường bị động kinh

•  ngôn ngữ phát triển chậm và thường bị nhại lời (nhắc lại các từ cuối cùng hoặc cụm từ cuối cùng mà người khác nói).

•  khó điều khiển hoạt động của đôi tay

•  điều phối hoạt động tay-mắt khó khăn

•  quá háu động, hấp tấp

•  đập hoặc vẫy tay liên tục

•  ngại giao tiếp bằng mắt; trong lúc bắt tay người khác, bé trai thường ngoái đầu hoặc quay mình sang hướng khác.

Những triệu chứng cuối cùng có thể dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của trẻ tự kỷ. Thường thường trẻ tăng động giảm tập trung thường mắc hội chứng gãy nhiễm sắc thể. Đối với bé trai dưới 7 tuổi, khoảng 80% bị tăng động giảm tập trung; trong nhóm trẻ từ 7-12 tuổi: 50% và nhóm 15-25 tuổi: 20%. Khi đã trưởng thành, những người này trở nên trầm lắng và thân thiện hơn.

Về sau này, những nét đặc trưng trên khuôn mặt mới xuất hiện: đầu to, trán rộng, cằm rộng, tai to,

5.4.3  Bệnh u bã nhờn

Triệu chứng:

•  các loại u lan toả chẳng hạn như u xơ thần kinh hoặc u dạng củ trong não là những nguyên nhân gây ra tật CPTTT và bệnh động kinh: một số bị vôi hoá (có thể quan sát thấy qua phim chụp X-quang của não). Có thể nhìn thấy quan sử dụng máy vi tính cắt lớp và máy chụp cộng hưởng. Những loại u này có thể phát triển và đôi khi gây ra nhiều vấn đề khác (thất điều, thị lực giảm và động kinh thường xuyên hơn; tắc nghẽn do dung dịch não gây ra bệnh tràn dịch màng não).

•  động kinh: hơn 80% trẻ bị bệnh này; bệnh có thể xuất hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ tuổi (70% trẻ xuất hiện bệnh vào năm đầu đời).

Các loại động kinh phổ biến: động kinh Salaam/kiểu chào Hồi giáo: đầu gập lại và chân tay bị to ra. Loại động kinh này còn được đặt tên là Hội chứng phương tây. Sau 3 năm đầu tiên, bệnh động kinh chuyển thành những cơn tăng và giảm trương lực (về sau, đứa trẻ trở nên lấc cấc, thô bạo): nó được gọi là hội chứng Lennox-Gastaut. Bệnh động kinh càng xuất hiện muộn thì trẻ càng ít bị CPTTT: nếu bị động kinh từ sau 5 tuổi: tỉ lệ CPTTT sẽ là 0-30%. Nên sử dụng vắc xin phòng ngừa bệnh động kinh Salaam.

•  vấn đề về hành vi: tự kỷ, háu động, tăng động giảm tập trung, hung dữ.

•  vấn đề liên quan đến giấc ngủ: thường xuyên bị ảnh hưởng vào ban đêm do lên cơn động kinh.

•  khối u ở thận (angioma: u mỡ – lipomen: u mạch, u nang) ở 40-80% các trường hợp, hầu hết có khối u ở cả hai quả thận. Sử dụng biện pháp cắt lớp vi tính để kiểm tra. Sau này, có thể bị chảy máu hoặc đau. Nếu khối u lớn cần cắt bỏ.

•  khối u ở tim: 40% trẻ bị. Thường không bị đau.

•  đôi khi có vấn đề ở gan hoặc phổi.

•  vấn đề về da: từ lúc 5 tuổi trở lên, trên da mặt xuất hiện những đốm đỏ (u xơ mạch nhỏ). Lúc đầu chỉ quan sát thấy ở cùng da mũi và sau đó lan ra cả ở má (có hình con bướm). Bệnh này được gọi là: u tuyến có bã nhờn. 80% trẻ từ 6 tuổi trở lên có loại u tuyến này. Có những bệnh về da khác chẳng hạn như nốt không có sắc tố (màu trắng), da có màu da cam (hầu hết là trẻ từ 10 tuổi, ở phía sau lưng), những nốt nhỏ xuất hiện ở khe/kẽ móng chân hoặc tay.

•  có thể quan sát thấy nhiều lỗ trên bề mặt răng.

5.4.4  Hội chứng Rett

Hội chứng:

Trẻ phát triển bình thường cho đến lúc 6 tháng tuổi, sau đó dừng lại: cử động của đôi tay giảm dần, trẻ giao tiếp và liên hệ bằng mắt cũng ít hơn. Sau hai năm, sự suy giảm thể hiện rõ ràng và diễn ra nhanh hơn, chẳng hạn như về ngôn ngữ và vận động của tay: cọ sát tay theo một kiểu nhất định, “cử động giặt” (wash-movement), và “mút tay” (hands in mouth). Về sau, trẻ có thể lên động kinh và tự làm mình bị tổn thương theo nhiều cách chẳng hạn như cắn vào ngón tay, và cấu/véo hoặc đánh vào mặt mình.

Sau 3 đến 10 tuổi, vận động của trẻ sẽ giảm dàn: bị liệt cứng, thất điều: hầu hết các bé gái đều phải sử dụng xe lăn sau 10 tuổi. Có thể thấy rõ trẻ bị vẹo cột sống và phát triển kém. Trẻ thường mắc phải chứng thở quá nhanh hoặc ngừng thở. Đôi khi, vào cuối giai đoạn này, bệnh động kinh giảm đi và khả năng giao tiếp của trẻ có tiến triển hơn so với trước.

5.4.5  Hội chứng Prader-Willy

Triệu chứng:

Hiện tượng nhược trương xuất hiện, người mẹ ít khi cảm nhận được những cử động của thai nhi.

Khó khăn trong lúc cho trẻ ăn: thấy trẻ nuốt chậm.

Những thay đổi về vận động quan trọng bị chậm lại: trẻ biết ngồi lúc 12 tháng; biết đi lúc 24 tháng. Trẻ bị giảm năng tuyến sinh dục và sau đó mắc bệnh vô sinh. Trong những năm đầu, trẻ lúc nào cũng thèm ăn (ăn rất nhiều): lúc nào cũng muốn ăn, ăn cả thức ăn cho động vật cảnh hoặc thức ăn đông lạnh và trở nên béo phì.

Xuất hiện dấu hiệu “kéo da”.

Mức phát triển của trẻ luôn thấp. Các giấc ngủ về ban ngày diễn ra liên tục. Sau đó, từ chỗ béo phì trẻ mắc cả bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hạc các bệnh về tim mạch.

Có khoảng 5-10% trẻ bị rối loạn tâm thần và có những hành vi hung hãn.

Trẻ sẽ mắc các tật như lác mắt và cận thị, vẹo cột sống, /////

5.4.6  Hội chứng Angelman

Triệu chứng:

Trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ và phát triển không bình thường.

Lúc đầu, diện mạo bên ngoài vẫn bình thường, nhưng sau này mắt trở nên vô hồn, miệng luôn cười tươi và cằm rất phát triển. Đầu thường nhỏ quá cỡ (chu vi của đầu quá bé).

Cơ bắp của các chi rất phát triển (khi được ẵm trong vòng tay của mẹ, trẻ tỏ ra không được thoái mái, người cứng lại). Khi trẻ bắt đầu biết đứng và biết đi, sự phát triển của cơ bắp là lý do gây nên những bước đi rộng và chân luôn cứng. Khi lên bốn tuổi, cử động đập tay trở nên nghiễm nhiên hơn mỗi khi trẻ bước đi.

Trẻ hay mút tay, háu động và lười liên hệ bằng mắt (hiện tượng này giảm dần khi trẻ lớn lên), hay thò lò mũi xanh và chảy nước dãi, trẻ hay thè lưỡi. Chúng thích chơi nước, bóng và các đồ chơi bằng nhựa và có nhiều màu sắc.

Trẻ hiểu được nhiều hơn ta tưởng nhưng không thể nói được (một số trẻ có thể nói được vài từ nhưng chủ yếu là chúng giao tiếp bằng cử chỉ điệu bộ)

Trẻ thường bị rối loạn về giấc ngủ: chúng thức rất lâu về đêm do hoạt động nhiều hơn trẻ bình thường.

Sau năm thứ nhất, trẻ bị động kinh (85% trẻ bị động kinh).

Tật vẹo đốt sống và giảm sắc tố da xuất hiện rõ rệt.

5.4.7  Hội chứng thai nhi nhiễm độc từ rượu

Triệu chứng:

– Khi sinh ra, thai nhi có chiều dài và chu vi đầu không đủ tiêu chuẩn.

– CPTTT

– Có bệnh về tim (40%)

– Thất điều. Rối loạn giấc ngủ.

– Mặt dị dạng: mắt nhỏ (ngay cả khi mi mắt mở), phần giữa của khuôn mặt quá nhỏ, tai vểnh ra phía sau, môi trên và nhân trung giảm sản.

– Vấn đề về hành vi: tăng động giảm tập trung, hung dữ.

6. Quá trình chẩn đoán tật chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

Để có thể chẩn đoán CPTTT một cách cụ thể và tương đối chính xác các nhà chuyên môn phải làm việc trong một nhóm cộng tác đa chức năng và phải có những kiến thức tổng hợp về tâm lý, y học, giáo dục, xã hội và tâm bệnh lý. Có nhiều quan điểm khác nhau về CPTTT và như vậy cùng với nó cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về cách chẩn đoán CPTTT. Dưới đây tôi xin nêu một tiến trình chẩn đoán được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở các nước phương tây.

Quan sát
Cán bộ y tế quan sátTrẻ không đạt được những mức độ phát triển thích hợp hoặc có biểu hiện CPTTT.
Giáo viên và cha mẹ quan sátNếu không được phát hiện là bị CPTTT trước tuổi đến trường, đứa trẻ sẽ gặp những khó khăn khi ở trong lớp như sau:•  Tiếp thu không nhanh bằng các bạn•  Khó nhớ và không biết cách khái quát những kiến thức đã học•  Hạn chế hơn về khả năng thích nghi so với các bạn đồng trang lứa.
Khám sàng lọc
Các biện pháp đánh giáPhát hiện ra những trẻ cần được đánh giá thêm
Khám sàng lọc y tếBác sỹ có thể sử dụng các loại trắc nghiệm để kiểm tra những trẻ có nguy cơ bị CPTTT trước tuổi đến trường.
Kết quả học tập ở trường lớpMột đứa trẻ không được phát hiện ra là bị CPTTT trước tuổi đến trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập; hạn chế về khả năng đọc hiểu; kỹ năng lý giải cũng như vận dụng toán học cũng kém
Trắc nghiệm chỉ số thông minh theo nhómTrắc nghiệm chỉ số thông minh theo nhóm là rất khó làm bởi vì loại trắc nghiệm này nặng về những kỹ năng đọc. Điểm trí thông minh thấp hơn mức trung bình.
Trắc nghiệm kết quả theo nhómĐứa trẻ đạt điểm thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa.
Khám sàng lọc về thị giác và thính giácKết quả khám không thể giải thích những hạn chế về khả năng học tập
Trước đánh giá
Giáo viên đưa ra những gợi ý dựa trên sự đánh giá chung của cả trường/nhómĐể kiểm tra liệu kết quả học tập của trẻ vẫn kém hoặc trẻ tiếp tục tỏ ra hạn chế về khả năng thích nghi mặc dù đã được can thiệp (liệu hành vi thích nghi và kết quả học tập của trẻ ở mức độ nghiêm trọng hoặc đứa trẻ được phát hiện là CPTTT trước tuổi đến trường, thì biện pháp này cần được tiến hành ).
Quyết định đánh giá
Nếu trẻ vẫn học kém và vẫn gặp nhiều khó khăn về khả năng thích nghi, nó cần được sự đánh giá toàn diện của một nhóm các chuyên gia
Các bước đánh giá không phân biệt và chuẩn mực của đánh giá
Các biện pháp đánh giáPhát hiện ra trẻ có tật CPTTT
Trắc nghiệm chỉ số thông minh cá nhânHoạt động trí năng dưới mức trung bình (chiếm khoảng 2-3% dân số), trẻ có điểm số IQ khoảng 70 đến 75 hoặc thấp hơn. Nhóm đánh giá phải đảm bảo rằng trắc nghiệm này công bằng về khía cạnh văn hoá đối với trẻ.
Thang đo hành vi thích nghiTrẻ đạt điểm tương đối thấp hơn mức trung bình về hai hoặc hơn 2 nhóm kỹ năng thích nghi chẳng hạn như nhóm kỹ năng giao tiếp, cuộc sống gia đình, tự định hướng và giải trí.
Kết quả mang tính chất giai thoạiKhó khăn về khả năng lĩnh hội của đứa trẻ mà không phải nguyên nhân từ sự khác biệt về văn hoá hay ngôn ngữ.
Đánh giá dựa trên chương trình họcĐứa trẻ gặp phải nhiều khó khăn trong một hoặc hơn một môn học trong chương trình học ở trường địa phương.
Quan sát trực tiếpTrẻ gặp khó khăn hoặc không đạt kết quả gì khi học trong lớp

7. Tần số xuất hiện của tật chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

7.1 Tần số xuất hiện của tật CPTTT

Khó mà có thể dự đoán chính xác tần số xuất hiện của tật CPTTT. Người ta cho rằng tỷ lệ người CPTTT chiếm khoảng 1-3% dân số. Mỗi nghiên cứu lại đưa ra những tỷ lệ khác nhau bởi vì họ sử dụng các định nghĩa, phương pháp đánh giá và phương pháp nghiên cứu về dân số khác nhau.

Theo định nghĩa DSM-IV dự đoán thì tỷ lệ người CPTTT là khoảng 1% tổng dân số.

•  Nhóm CPTTT nhẹ là đông nhất chiếm khoảng 85% tổng số người CPTTT.

•  Nhóm CPTTT vừa chiếm khoảng 10% tổng số người CPTTT.

•  Nhóm CPTTT nặng chiếm khoảng 3%-4% tổng số người CPTTT.

•  Nhóm CPTTT nghiêm trọng chiếm khoảng 1%-2% tổng số người CPTTT.

(tài liệu tham khảo-DSM-IV)

7.2 Sự khác biệt do giới tính

Nam giới thường bị CPTTT nhiều hơn so với nữ giới, tỉ lệ là: 1,5:1 (theo DSM-IV).

7.3 Một vài số liệu ở Việt Nam

Nằm trong số những trẻ khuyết tật nói chung ở nước ta, trẻ CPTTT nhìn chung chiếm tỉ lệ khá cao so với các loại khuyết tật khác.

Theo con số ước tính của tổ chức OMS- tổ chức y tế thế giới thì ít nhất Việt nam có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật (khoảng 1% dân số) và trong đó có khoảng 3 triệu là trẻ em khuyết tật, trong số trẻ khuyết tật có khoảng 0,5 triệu trẻ em chậm phát triển trí tuệ .

Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt nam (từ 0-16 tuổi) chiếm khoảng trên 1% dân số, tức cả nước có khoảng 1 triệu trẻ em khuyết tật trong đó trẻ CPTTT chiếm khoảng 27% .

Theo số liệu điều tra về người khuyết tật ở các vùng triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên 29 tỉnh của bộ y tế sau 10 năm hoạt động, kết quả khảo sát cho thấy trẻ CPTTT chiếm khoảng 23% trong số trẻ khuyết tật.

Scroll to Top