Skip to content

Phương pháp dạy học/ Teaching strategy

Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Giáo Dục Đặc Biệt
Khoá bồi dưỡng mùa hè cho các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các tỉnh phía Bắc

Bài 4 - Phần 1

Phương pháp dạy học trong giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT)

Giảng viên: Nguyễn Ngọc Mai Hương

Cố vấn chuyên môn: Ths. Han Van Esch

Hà Nội, tháng 3 năm 2001

•  Mục tiêu:

Giáo viên biết thay đổi, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với các đặc điểm học tập cụ thể của trẻ chậm phát triển trí tuệ.

•  Mục đích:

Về kiến thức:

  1. Giáo viên sẽ có sự hiểu biết sâu sắc hơn về các đặc điểm học tập cụ thể của trẻ chậm phát triển trí tuệ và cách áp dụng những hiểu biết này vào trong môi trường lớp học.
  2. Giáo viên hiểu được các nguyên tắc về vai trò trung gian của người giáo viên.
  3. Giáo viên nắm vững mô hình khuyến khích động cơ học tập cho trẻ.
  4. Giáo viên biết lý thuyết dạy học theo chủ đề.

Về kỹ năng:

  1. Giáo viên sẽ có khả năng sử lý với các đặc điểm học tập cụ thể của trẻ chậm phát triển trí tuệ trong lớp học.
  2. Giáo viên nắm vững các nguyên tắc về vai trò trung gian của người giáo viên khi lên lớp.
  3. Giáo viên biết khuyến khích trẻ học tập.
  4. Giáo viên biết tổ chức dạy học theo chủ đề, dự án.

Về thái độ:

  1. Giáo viên luôn sẵn sàng điều chỉnh phương pháp giảng dạy của mình để phù hợp với nhu cầu cụ thể của trẻ.
  2. Giáo viên sẵn sàng luyện tập những kỹ thuật về vai trò trung gian của người giáo viên.
  3. Giáo viên nhiệt tình, quan tâm và có kỳ vọng tốt về trẻ.

Nội dung:

Chương 1: Quá trình dạy học

Giới thiệu

I. Làm gì trước khi trẻ hoạt động

II. Làm gì trong lúc trẻ đang hoạt động

III. Làm gì sau khi trẻ đã hoạt động

Chương 2: Vai trò trung gian của người giáo viên

I. Đặc điểm của trẻ chậm phát triển trí tuệ và các chiến lược của giáo viên

II. Vai trò trung gian của giáo viên

Chương 3: Động cơ thúc đẩy

I. Đặc điểm của người giáo viên

II. Các biến số mang tính môi trường

III. Các biến số mang tính hướng dẫn

Chương 4: Học theo chủ đề

I. Giới thiệu: Khái niệm chủ đề và dự án

II. Lựa chọn các chủ đề và dự án

III. Các bước thực hiện

Chương 1: Quá trình dạy học

I.  Giới thiệu

Dạy học là quá trình mà ở đó chúng ta tổ chức một môi trường để trẻ học làm một cái gì đó và xử sự theo một cách nào đó. Một số kỹ năng có thể được dạy rất hiệu quả trong điều kiện bài giảng có kết cấu rõ ràng ở một nơi thật yên tĩnh, ở đó sự chú ý được tập trung vào nhiệm vụ hoặc hoạt động hay tạo cơ hội để trẻ làm đi làm lại. Nhưng nhiều kỹ năng khác lại được dạy tốt hơn ngay trong các tình huống hàng ngày.

Quá trình dạy học có thể được chia thành 3 giai đoạn:

•  Làm gì trước khi trẻ hoạt động

•  Làm gì trong khi trẻ hoạt động

•  Làm gì sau khi trẻ hoạt động

i) Làm gì trước khi trẻ hoạt động

1. Hướng dẫn

Bạn nên:

•  Nói mình muốn trẻ làm cái gì.

•  Mỗi lần nói hãy dùng những từ giống nhau hoặc tương tự như nhau, như vậy, trẻ có thể hiểu lời hướng dẫn của bạn.

•  Kết hợp hướng dẫn với bước mà trẻ đang làm. Ví dụ chỉ nói với trẻ "Con hãy đánh răng đi" khi trẻ đã nắm được toàn bộ quá trình, nhưng trong lúc trẻ đang học bạn cần xem đánh răng là một loạt các bước nhỏ, mỗi bước cần được dạy và cần hướng dẫn ví dụ như cầm bàn chải, mở hộp thuốc đánh răng ra...

2. Làm mẫu

Nếu hướng dẫn của bạn không cung cấp cho trẻ đủ thông tin về việc cần làm, hãy làm mẫu. Chắc chắn rằng trẻ quan sát và hãy làm từ từ và thật rõ ràng. Làm mẫu là một kỹ thuật hữu ích vì nó tạo cho trẻ cơ hội độc lập để tự làm và biết mình được yêu cầu làm cái gì.

ii) Làm gì trong lúc trẻ đang hoạt động

Mục đích của bạn là trẻ phải thực hiện nhiệm vụ được giao tốt để không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Nhưng khi dạy một kỹ năng mới, trẻ sẽ cần được giúp đỡ trên mức bình thường. Bạn có thể giúp trẻ bằng lời nói hoặc bằng hành động.

1.Cung cấp thêm thông tin

Đây được gọi là lời giúp đỡ. Bằng cách cung cấp cho trẻ những lời gợi ý khi trẻ đang làm bạn nói rõ hơn về việc phải làm và bạn khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng. Ví dụ, "Chúng ta hãy cùng xây một cái tháp. Đặt cái hình này lên trên hình này".

2.Giúp đỡ bằng thể chất

Đây được gọi là việc giúp đỡ. Việc giúp đỡ nói chung là để phụ trợ thêm cho lời nói giúp đỡ và chúng rất hữu ích trong những giai đoạn ban đầu khi trẻ đang học một kỹ năng mới. Lưu ý chỉ nên giúp đỡ ở mức độ nhất định, và không quá. Khi trẻ làm thành thạo hơn, bạn có thể giảm bớt sự giúp đỡ của mình.

3. Điều chỉnh dụng cụ học tập

Một cách khác để giúp trẻ là điều chỉnh những dụng cụ học tập mà bạn đang dùng hoặc phát hiện những vật thay thế dễ dùng hơn. Phương pháp này đặc biệt có ích đối với những trẻ muốn làm độc lập và liên tục cần hỗ trợ về thể chất.

iii) Làm gì sau khi trẻ đã hoạt động

1. Củng cố sau khi trẻ đã hoạt động

Làm gì sau khi trẻ đã cố gắng làm một việc gì đó có thể được tóm lược chỉ trong một từ: củng cố . Khi củng cố đứa trẻ, chúng ta hãy để trẻ biết rằng mình đã làm đúng việc, và chúng ta hãy để trẻ biết rằng ta đem lại cho nó một điều gì thật dễ chịu, do vậy trẻ sẽ có động cơ để tiếp tục cố gắng.Có thể giả thiết một cách đơn giản như sau: chúng ta đang củng cố một hành vi tốt ở đứa trẻ bởi vậy ta đang xử sự theo một cách là trẻ sẽ rất thích. Nhưng cách duy nhất để biết chắc rằng hành động của ta đang thực là củng cố là phải kiểm tra kết quả. Nếu những điều tốt mà chúng ta muốn khuyến khích trẻ làm càng có nhiều, là chúng ta củng cố thành công. Nếu không, có lẽ chúng ta không củng cố như cách chúng ta tưởng.

2. Củng cố như thế nào?

Có một số cách củng cố, ví dụ:

•  Khen là hình thức củng cố tự nhiên nhất và dễ nhất. Mọi người đều thích nhận được lời khen. Nhưng lời khen ngợi có thể trở thành quá nhàm và như vậy sẽ mất đi hiệu lực củng cố của nó. Giáo viên cần sáng tạo trong cách khen ngợi của mình: phân loại lời khen; hãy để trẻ biết rằng bạn đang khen nó, nhấn mạnh lời khen của bạn.

•  Chạm tay hay vỗ về : hầu hết trẻ con đều thích được ôm ấp, vỗ về và vuốt ve.

•  Một số cách đặc biệt có thể là cho cái kẹo hoặc là cho trẻ chơi một hoạt động mà trẻ thích. Bảng sau đây cung cấp một cái nhìn tổng quát về các công cụ củng cố trong lớp học:

 Nguồn  Ví dụ
Vật chấtTemĐề can, hình dán
Đồ ănKẹoBánhNước ngọt
Giải tríXem một đoạn băng yêu thíchNghe nhạcChơi trên vi tínhChọn đồ chơi
Sự độc lậpGiờ tự do
Sự khen ngợi của người lớnGiáo viên khen ngợi
Sự khen ngợi của bạn bèVỗ tay

3. Khi nào thì củng cố

Lúc mới bắt đầu học, khi trẻ còn đang làm quen với một kỹ năng mới, hãy củng cố cứ mỗi lần trẻ làm được. Và củng cố để trẻ cố gắng. Khi trẻ thể hiện rằng mình có thể làm được công việc mới, bắt đầu củng cố ít đi. Trẻ con thường thích dùng một kỹ năng mới hơn nếu lời khen thường xuyên trở thành lời khen thỉnh thoảng khi kỹ năng đã được nắm vững. Nếu bạn đang dùng đồng xu hoặc cách củng cố đặc biệt, bạn nên cho nó ít dần đi ngay khi trẻ có thể làm việc một cách thoải mái mà không cần được khen.

Chương 2: Vai trò trung gian của người giáo viên

Trong giáo dục đặc biệt, phương pháp là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Phải phát hiện ra các phương pháp làm việc hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của trẻ.

I. Đặc điểm của trẻ chậm phát triển trí tuệ và các chiến lược của giáo viên

Trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, có thể tổng kết một số khó khăn sau:

•  Đối với trẻ, cách học không được kết cấu rõ ràng, trẻ cần học theo từng bước nhỏ, và cần được chỉ bảo từng phần rõ ràng trong một nhiệm vụ phức tạp. Trẻ có nhu cầu giúp đỡ trong quá trình hội nhập, trẻ cần biết cách lập kế hoạch và kiểm soát nhiệm vụ, hành vi, chúng phải được dạy dỗ những chiến lược hiệu quả để làm việc, để lập kế hoạch, để kiểm soát, và để giải quyết một vấn đề.

•  Trí nhớ ngắn hạn và dài hạn kém, khoảng thời gian dạy trẻ cần ngắn gọn, trẻ cần sự phản hồi trực tiếp, lặp đi lặp lại nhiều lần bằng nhiều cách khác nhau.

•  Trẻ không có khả năng xử lý khi gặp những tình huống lạ, chúng cần lặp đi lặp lại bằng nhiều cách và ở những tình huống khác nhau, có nhiều biện pháp động viên và khuyến khích trẻ, trẻ phải vận dụng nhiều lần các thông tin mới trong những tình huống mới.

•  Một số trẻ tiếp thu được nhiều qua việc bắt chước người khác, hay tham gia cùng với những trẻ không có nhu cầu đặc biệt khác là rất quan trọng và cần thiết.

•  Phần lớn trẻ không được kích thích, chúng rất cần môi trường xung quanh an toàn, tình yêu, sự tin tưởng và kiên trì, hy vọng và tôn trọng.

•  Trẻ khó nhận ra được mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tình huống ở trong trường với bên ngoài xã hội, việc dạy và hướng dẫn về các sinh hoạt hàng ngày cho trẻ là luôn luôn cần thiết và quan trọng.

•  Độ trôi chảy của ngôn ngữ kém, giáo viên phải điều chỉnh ngôn ngữ của mình, phải khuyến khích và động viên trẻ phát triển ngôn ngữ, và phải hết sức nhạy cảm đáp ứng hay phản hồi kịp thời.

•  Rất ít trẻ CPTTT biết đặt câu hỏi, vì vậy phải dạy chúng biết đặt ra những câu hỏi Cái gì, Tại sao và Như thế nào?

Ngoài ra, mỗi môn học lại cần những ấn định về phương pháp riêng. Phương pháp liên quan đến các môn học: dạy trẻ học đọc bằng cách linh hoạt hoặc chỉ cần trẻ nhận mặt chữ hoặc ký hiệu. Ấn định về việc có dùng các ký hiệu tạo thành hình ảnh, âm thanh hay không.

Toán: dùng nhiều dạng câu đố, có hay không có máy tính.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường hiểu được nhiều hơn những gì ta nghĩ rằng có thể dạy chúng, nhưng trẻ chỉ thể hiện hiểu biết của mình sau một thời gian dài.

Những điều kiện quan trọng:

•  Dùng càng nhiều dụng cụ trực quan càng tốt, và dụng cụ có càng nhiều cách tiếp cận càng tốt (thị giác, xúc giác, cảm giác, thính giác....).

•  Khi cung cấp thông tin mới cho trẻ, cần có kết cấu rõ ràng, cố gắng liên hệ nó với cái mà trẻ đã biết, để trẻ có cơ hội tiếp cận thực tế.

•  Dành thời gian để bạn hướng dẫn và sau đó để trẻ có đủ thời gian để tiếp cận.

•  Luôn luôn phải trả lời được câu hỏi: Tại sao tôi lại chọn cái này hay cái kia?

•  Với trẻ, điều quan trọng là học mà chơi và chơi mà học, trẻ của chúng ta không chơi hay làm cái gì theo cách bột phát, vì vậy cần dạy chúng chơi hoặc làm.

•  Cứ để trẻ càng cử động nhiều càng tốt. Đặt trẻ ngồi trong lòng bạn và đu người như thể cả hai đang ngồi trên xích đu. Cầm lấy tay trẻ và đập xuống nước.

•  Thế giới dường như vô cùng hỗn độn. Hãy cứ để trẻ trải nghiệm điều thực tế này vì đó là rất hữu ích. Sắp xếp mọi hoạt động ở trường lớp đúng thời gian và đúng chỗ.

•  Bắt đầu bằng những hoạt động mà trẻ biết làm và làm được. Đây là những trải nghiệm tích cực để giúp trẻ tích luỹ kinh nghiệm, chuẩn bị cần thiết cho những mức độ khác.

•  Khuyến khích trẻ hoạt động. Làm các hoạt động của riêng bạn, làm cùng với trẻ, đề nghị trẻ giúp đỡ những việc bạn đang làm.

•  Nhớ trò chuyện và giải thích cho trẻ về những hoạt động đang diễn ra, đặt cho nó một cái tên. Dùng ngôn ngữ để mô tả mọi hoạt động. Làm mọi thứ để kích thích ngôn ngữ ở trẻ.

II. Vai trò trung gian của giáo viên

1. Khái niệm vai trò trung gian của giáo viên

Reuven Feuerstein (1980-) đưa ra định nghĩa sau đây về hoạt động học có trung gian: Kinh nghiệm về việc học có trung gian là chất lượng các mối quan hệ giữa con người với môi trường của mình. Chất lượng của mối quan hệ ấy được đảm bảo bởi sự tương tác với một người khác, là người hiểu biết về văn hoá và thúc đẩy các tác nhân kích thích ấy đến đứa trẻ.

Những nhà sư phạm đóng vai trò trung gian, đem lại cho thế hệ sau càng nhiều những kinh nghiệm học tập càng tốt.

2.Các nguyên tắc về vai trò trung gian

•  Chú ý, tập trung

•  ý nghĩa hay sự ảnh hưởng

•  Mở rộng, chuyển giao

•  Năng lực

•  Kiểm soát hành vi

•  Chia xẻ

•  Cá nhân hoá

•  Nhận biết mục đích

•  Tiếp cận với thách thức

•  Nhận biết khả năng thay đổi

•  Lạc quan

•  Nhận biết các thành viên khác

1. Chú ý, tập trung

Chúng ta giúp đỡ để trẻ cảm thấy, nghe thấy, và nhìn thấy cái mà ta muốn nó cảm thấy, nghe thấy và nhìn thấy. Người giáo viên đóng vai trò trung gian phải sắp xếp điều chỉnh kích thích trước khả năng của đứa trẻ.

Cho nên, chúng ta đạt đến "một sự chú ý chung", chúng ta cùng nhau nhìn vào một vật, không phải là để dạy. Chúng ta gây ảnh hưởng đến hệ thống nhu cầu của trẻ để phân loại tri giác, làm cho nó rõ ràng hơn. Điều này, làm cho người lớn phải có một trách nhiệm rất lớn. Cái mà người trung gian muốn dàn xếp thì phải rất hữu ích (có ý nghĩa về văn hoá), môi trường phải phong phú và đảm bảo an toàn, có quyền lựa chọn loại hình ngôn ngữ (lời nói, từ, dấu hiệu, hình ảnh, im lặng, diễn đạt bằng nét mặt, ngữ điệu của tiếng nói).

2. Nghĩa hay ảnh hưởng:

Sự nhiệt tình mà người giáo viên thể hiện có tác dụng rất lớn, chúng ta phải dạy trẻ cách đánh giá cao. Chúng ta giúp trẻ phát triển lòng ham muốn tìm kiếm ý nghĩa và hiểu biết tại sao tại sao cái này là quan trọng. Đây là cả một quá trình: hãy làm hoạt động này vì tôi thích như vậy, hãy làm hoạt động này vì em sẽ thành công và sẽ thích nó, và cuối cùng là bởi vì đó là hoạt động hữu ích. Kỳ vọng của trẻ phải mang tính tích cực.

3. Mở rộng, chuyển giao:

Chúng ta giúp trẻ hình thành sự liên hệ về thời gian và không gian với những đồ vật khác trong thể giới của trẻ.Ví dụ, sự giống nhau, sự đối lập; phản ánh, thúc đẩy và suy nghĩ về nguyên nhân và hệ quả. Một quá trình cùng nhau tưởng tượng: chúng ta có thể sử dụng cái này khi nào, ở đâu, và như thể nào? Chúng ta phát triển nhu cầu kết hợp một cách tự nhiên, và kết hợp với những kinh nghiệm đã có.

Và chú ý: không để tiếp tục, đôi khi cần phải ảnh hưởng lại, hay gợi sự chú ý lại.

4. Năng lực

Chúng ta thể hiện sự hài lòng với kết quả của đứa trẻ đạt được. Điều này có nghĩa là: nếu không có ý nghĩa, việc thể hiện sự hài lòng và nói cho trẻ biết tại sao ta hài lòng. Điều quan trọng là phải sử dụng có động cơ. Giúp đỡ để có động lực tốt ngay cả trong những tình huống khó khăn. Kết nối ở đây là rất quan trọng: giúp trẻ có được những kinh nghiệm học tích cực.

Một lời khuyên thiết thực là: mặc dù nguyên tắc nói với chúng ta là hãy bắt đầu bằng kỹ năng đầu tiên của việc học mà trẻ chưa biết làm, thì chúng ta vẫn muốn bắt đầu với kỹ năng cuối cùng mà trẻ làm được, cho trẻ cơ hội tiếp cận những trải nghiệm học tập.

5. Kiểm soát hành vi:

Hãy suy nghĩ trước khi làm một việc nào đó theo kế hoạch, đấy sẽ là một công việc theo thói quen, và phải kiểm tra về mặt thời gian. Nếu xét theo các góc độ thẩm mĩ, tại sao chúng ta lại xếp những bông hoa ở chỗ này mà không phải là chỗ kia? Chúng ta giúp trẻ khi nó đang tìm kiếm một cái gì đó bằng cấu trúc về mặt không gian: trước hết là ở đây, sau đó là chỗ kia.

6. Chia xẻ:

Tất cả chúng ta đều phát triển trong mối tương quan với môi trường. Trong môi trường, có mọi vật và con người. Mối quan hệ với con người là cần thiết để cho sự phát triển tình cảm, xã hội và nhận thức. Mối quan hệ giữa người lớn và đứa trẻ, giữa người trung gian với đứa trẻ là một ví dụ minh hoạ.

7. Cá nhân hoá:

Việc hình thành ý tưởng và khuyến khích trẻ thể hiện ý tưởng của mình là vô cùng quan trọng. Người trung gian giúp đứa trẻ phát hiện và những khả năng duy nhất và cá tính của mình. Do vậy, sự khác biệt về ý nghĩa không phải là làm nhiễu loạn, nhưng mà là nguồn khả năng học tập phong phú. Cần phải có sự cân bằng giữa hoạt động chia xẻ và hoạt động cá nhân hoá.

8. Nhận thức về mục tiêu:

Một số trẻ có ý tưởng nhưng không biết làm thế nào để đạt được nó. Những trẻ khác lại sống mà không cần ý tưởng hay quan niệm, chúng xử sự và làm mọi việc mà không dùng đến ý thức. Trẻ phải được dạy để đoán trước được mục đích của mình dù đó là vấn đề không lớn lao và rất trừu tượng.

9. Tiếp cận với thách thức:

Dám dũng cảm chấp nhận sự thách thức này là rất cần thiết trong cuộc sống liên tục thay đổi này. Môi trường trong suốt quá trình học phải mang tính thách thức và cứu nguy! Cứu nguy là bởi vì một ai đó phải học cách chấp nhận mình cũng phạm phải sai lầm. Hơn thế nữa, người trung gian phải giúp trẻ tiếp cận với tình huống thực để biết rằng cái gì có thể làm được và không nên làm cái gì trong tình huống nguy hiểm.

10. Nhận biết khả năng thay đổi:

Nhiều người được những người ở xung quanh ra dấu họ chấp nhận ngay. Không thể giúp trẻ bằng cách này. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của người trung gian trong lúc dạy đứa trẻ là giúp nó hiểu được nó có nhiều khả năng hơn nó nghĩ. Những thay đổi này không làm biến đổi nội tâm con người!

11. Lạc quan:

Chúng ta có thể nói rằng cái cốc này đã vơi một nửa, điều ấy hơi đáng buồn một chút, hoặc một người có thể vui mừng mà nói rằng cái cốc này còn đầy một nửa. Người trung gian luôn thể hiện cho trẻ rằng trên thực tế cả hai cách nói đều có thể dùng được và nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực, lạc quan và nói cho trẻ biết tại sao những lời nói như vậy lại làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

12. Nhận biết vai trò là thành viên:

Bắt đầu bằng sự gắn bó với trẻ nhỏ và mở rộng ra với các thành viên khác trong gia đình, xã hội. Người trung gian sẽ dạy trẻ về vai trò là thành viên trong gia đình, với các bạn cùng trang lứa, ở trường, về tính chất văn hoá và tôn giáo của nó. Đặc điểm này cần được nhấn mạnh, vấn đề văn hoá, quyền và nghĩa vụ của trẻ cũng cần được giảng giải thật rõ ràng.

Chương 3: Động cơ học tập

Trong khuôn khổ lấy hoạt động học làm trung tâm, mô hình khuyến khích động cơ học tập cho trẻ gồm có ba phần:

•  Đặc điểm của người giáo viên: định hướng cá nhân của giáo viên đối với trẻ em, đối với quá trình dạy và học.

•  Các biến số mang tính môi trường: những đặc điểm của giáo viên và lớp học nâng cao cảm giác an toàn, kích thích sự hiếu biết và tính thách thức.

•  Các biến số mang tính hướng dẫn: là những hành động cụ thể giáo viên có thể áp dụng để thúc đẩy trẻ trong những bài học cụ thể.

Lớp học lấy hoạt động học làm trung tâm

Đặc điểm của giáo viên•  Làm mẫu•  Nhiệt tình•  Quan tâm•  Kỳ vọng Biến số môi trường•  Sự an toàn và trật tự•  Thành công•  Hiểu nhiệm vụ•  Tính thách thức

 

Tăng động cơ học tập

Biến số hướng dẫn•  Trọng tâm ban đầu•  Cá nhân hóa•  Mức độ tham gia•  Phản hồi

I. Đặc điểm của giáo viên

1. Làm mẫu

Thái độ và niềm tin đối với hoạt động dạy và học của giáo viên được biểu hiện mạnh mẽ qua đặc điểm này. Thực ra không thể tạo được động cơ học tập cho trẻ em nếu giáo viên tỏ ra chán ghét hoặc thiếu hứng thú với những gì họ đang dạy.

2. Sự nhiệt tình: bộc lộ sự quan tâm thực sự

Giáo viên giảng bài nhiệt tình sẽ làm tăng sự tự tin, sự cố gắng, khả năng và thành tích của học sinh nhiều hơn so với giáo viên thiếu nhiệt tình.

3. Sự quan tâm

Bắt nguồn từ quan điểm mang tính nhân văn về động cơ học tập, việc nhấn mạnh vào sự quan tâm của giáo viên đối với trẻ nhắc nhở ta rằng ta đang thực sự dạy trẻ và nên nhìn nhận trẻ với tư cách là một con người tổng thể, bao gồm cả những nhu cầu tình cảm, xã hội cũng như trí tuệ. Cảm giác được quan tâm là rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Ta có thể khiến trẻ nhận thấy được sự quan tâm của ta đối với chúng bằng cách sẵn sàng dành thời gian riêng tư của ta cho trẻ.

4. Kỳ vọng

Chắc chắn là các kỳ vọng của giáo viên có ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ. Tác dụng của kỳ vọng của giáo viên có thể được chia làm bốn nhóm: sự hỗ trợ về mặt tình cảm; các nỗ lực và đòi hỏi của giáo viên; đặt câu hỏi; phản hồi và đánh giá.

Đặc điểmHành vi của giáo viên giúp học sinh đạt thành tích cao hơn
Sự hỗ trợ về mặt tình cảmTăng cường tiếp xúc; tiếp xúc tích cực hơn; cười nhiều hơn; nhìn thẳng vào mắt học sinh; đứng gần hơn; xoay người trực tiếp về phía các em; xếp chỗ học sinh gần giáo viên hơn.
Các nỗ lực và đòi hỏi của giáo viênGiải thích rõ ràng và thấu đáo hơn; hướng dẫn nhiệt tình hơn; đặt thêm các câu hỏi bổ trợ; yêu cầu học sinh trả lời đầy đủ và chính xác hơn.
Đặt câu hỏiGọi nhiều hơn; cho các em thời gian để trả lời; khích lệ nhiều hơn; gợi ý nhiều hơn.
Phản hồi và đánh giáKhen nhiều hơn; chê ít hơn; phản hồi đầy đủ và dài hơn, đánh giá khái niệm nhiều hơn.

Các kỳ vọng thường tự hoàn thành các mục tiêu của chính nó. Đôi khi kỳ vọng của chúng ta về người khác khiến chúng ta đối xử với họ theo những cách khiến họ đáp ứng đúng như điều chúng ta mong muốn. Khi trẻ thường xuyên bị loại ra khỏi cuộc thảo luận, khi ít có sự tương tác và tiếp xúc nhiệt tình, v.v... trẻ sẽ cho rằng mình có ít khả năng.

II. Các biến số mang tính môi trường.

Môi trường lớp học là những đặc điểm của giáo viên và lớp học giúp tăng lên trong trẻ cảm giác an toàn và yên tâm cũng như ý thức về sự thành công, thách thức và hiểu biết. Trẻ học tập tốt nhất trong một môi trường chung an toàn, quy củ và khích lệ các em đạt được những nhiệm vụ có giá trị.

1. Sự an toàn và trật tự

Những trưòng học tốt là những nơi đáng tin cậy, có trật tự, có sự hợp tác và có tinh thần học tập cao. Một biện pháp thực tế để tạo ra một môi trường an toàn, quy củ là thi hành những quy định, nguyên tắc được phổ biến rõ ràng và thường xuyên được củng cố. Một trong những quy định quan trọng nhất là: Chúng ta luôn luôn đối xử với nhau với một thái độ tôn trọng và lịch sự.

2. Thành công

Một khi đã có một môi trường an toàn và có trật tự, mong muốn thành công của trẻ là biến số môi trường quan trọng nhất. Giáo viên có thể thúc đẩy mong muốn tích cực này của trẻ bằng cách sử dụng những phương pháp hướng dẫn cho phép tăng đến mức tối đa cơ hội thành công và giảm đến mức tối thiểu khả năng thất bại cho trẻ. Ví dụ: xây dựng dựa trên những kiến thức sẵn có của trẻ; nhắc nhở, gợi ý khi trẻ khó trả lời câu hỏi; sử dụng nhiều ví dụ và minh họa phong phú và có chất lượng cao để giúp trẻ hiểu nhanh; thực hành mẫu trước khi cho trẻ làm việc độc lập. Mục đích của giáo viên khi thúc đẩy thành công là tạo ra cảm giác tự tin cho trẻ, nghĩa là cảm giác phải thực hiện được những nhiệm vụ mà trẻ coi là quan trọng và có giá trị.

3.Tính thách thức

Cảm giác bị thách thức là cần thiết nếu trẻ muốn đạt được cảm giác thoả mãn. Tính thách thức là đặc điểm của các hoạt động kích thích nội tại. Giáo viên phải xem xét cẩn thận để nhận biết mức độ thách thức thích hợp. Những thách thức phi thực tế hoặc những hoạt động quá khó sẽ khiến trẻ ngại tham gia và do đó làm giảm động cơ học tập của trẻ.

4. Hiểu nhiệm vụ

Ta biết rằng để có động lực thúc đẩy, trẻ phải có mong muốn thành công và phải tin rằng những gì trẻ đang học là quan trọng và có giá trị. Tính thách thức giúp tăng cường sự nhận thức về giá trị. Sự nhận thức này cũng được tăng cường khi trẻ hiểu những điều chúng phải học và lý do chúng phải học những điều đó.

III. Các biến số mang tính hướng dẫn

1.Trọng tâm ban đầu: thu hút sự chú ý của trẻ

Trọng tâm ban đầu là phương pháp giáo viên thu hút sự chú ý của trẻ và tạo ra một khuôn khổ cho bài học. Tạo ra một trọng tâm ban đầu có hiệu quả không phải là khó. Cần có ý thức nhằm liên kết nội dung bài học với hoàn cảnh, kinh nghiệm và sở thích của trẻ.

2. Cá nhân hóa: gắn liền với cuộc sống của trẻ

Cá nhân hóa là làm cho các chủ đề trở nên có ý nghĩa bằng cách sử dụng những ví dụ quen thuộc về mặt trí tuệ và/hoặc mặt tình cảm đối với trẻ. Bất cứ điều gì người ta có thể liên hệ một cách trực tiếp với bản thân thường cụ thể hơn những thông tin trừu tượng, xa xôi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ tham gia và tập trung chú ý của trẻ tăng lên khi giáo viên quan tâm và đề cập đến cá nhân trẻ và đời sống hàng ngày của chúng.

3. Mức độ tham gia

Trọng tâm ban đầu và cá nhân hóa sẽ giúp đưa trẻ vào bài học, nhưng trừ phi bài học hay chủ đề đó rất hấp dẫn hoặc có tính thức thời, một hay cả hai yếu tố trên cùng kết hợp cũng không thể duy trì được động cơ học tập của trẻ. Chìa khóa để duy trì động cơ là mức độ tham gia, nghĩa là trẻ tích cực tham gia vào hoạt động học tập. Công cụ phổ biến nhất mà giáo viên có thể dùng để thúc đẩy và duy trì mức độ tham gia là đặt câu hỏi. Sử dụng những câu hỏi mở là phương pháp đặc biệt hiệu quả. Câu hỏi mở là những câu hỏi chấp nhận nhiều câu trả lời. Loại câu hỏi mở thứ hai yêu cầu trẻ so sánh. Bằng cách kết hợp sự an toàn với thành công , ngay cả đứa trẻ rụt rè nhất cũng có thể được khích lệ trả lời mà không sợ bị xấu hổ. Các hoạt động nhóm cũng có thể nâng cao mức độ tham gia của trẻ.

4. Phản hồi

Phản hồi có thể có giá trị to lớn trong việc thúc đẩy trẻ, đặc biệt là khi được kết hợp với những mục đích rõ ràng. Khi giáo viên phản hồi về kết quả của học sinh, cần nhấn mạnh vào sự tiến bộ và mức độ làm chủ nội dung học tập của học sinh hơn là vào sự so sánh với kết quả của người khác. Khen ngợi có lẽ là hình thức phản hồi phổ biến nhất. Khi được sử dụng một cách thận trọng, khen ngợi có thể nâng cao động cơ học tập.

IV. Kết luận

Mười hai thành phần trong mô hình nâng cao động cơ học tập cho trẻ được miêu tả riêng biệt. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng nên kết hợp càng nhiều thành phần càng tốt trong quá trình dạy học để nâng cao động cơ học tập cho trẻ.

Chương 4: giảng dạy theo chủ đề và dự án

. Giới thiệu: Khái niệm chủ đề và dự án

Khi giáo viên đưa ra một nội dung nhất định theo nhiều cách khác nhau, liên quan đến nhiều bộ môn và hoạt động khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, ta gọi là giảng dạy theo chủ đề hoặc các dự án.

Chủ đề là việc đưa ra các nội dung được gắn kết chặt chẽ với nhau trong một khoảng thời gian. Giảng dạy theo chủ đề không đòi hỏi tất cả các trẻ phải tham gia mà trẻ có thể tự chọn lựa hoặc được phân.

Dự án bao gồm một tổng thể các hoạt động có chủ đề được tổ chức theo một chủ đề trong một khoảng thời gian nhất định (một tuần, hai tuần).

Chúng có điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Nhiều khi không chỉ một lớp mà cả một trường đều tham gia vào một dự án.

Giảng dạy theo chủ đề không phải là một điều mới lạ. Đã từ lâu các nhà giáo dục luôn tìm cách gắn kết các yếu tố khác nhau của các môn học vào một tổng thể.

Đầu thế kỷ 20, nhà giáo dục người Bỉ Decroly đã đưa ra ý tưởng giảng dạy theo chủ đề trong lớp học. Mục đích của ông là giúp trẻ có thể có được các kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống.

Trường học nên là nơi đáp ứng được các nhu cầu về các kinh nghiệm thực tế trong cuốc sống của trẻ: trường học phải trở thành một nơi có nhiều hoạt động hứng thú.

Nhiều lý lẽ khác nhau về việc tăng tính gắn kết giữa các nội dung học khác nhau đã được đưa ra. Ví dụ như:

•  Cần phải có sự liên hệ rõ ràng giữa các nội dung được trình bầy.

•  Cần phải có sự liên hệ rõ ràng giữa các môn học và các hoạt động.

•  Cần phải có sự liên hệ giữa các nội dung học và các kinh nghiệm thực trong cuộc sống.

•  Cần phải có sự liên hệ giữa các nội dung học và thế giới.

Giáo dục trẻ nghĩa là giúp trẻ khám phá thế giới và hỗ trợ tính độc lập của trẻ.

Ý tưởng của việc giảng dạy theo chủ đề, dự án là nhằm giúp trẻ ý thức được thế giới xung quanh, nhận biết được các mối quan hệ và hiểu được mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Chúng ta có thể xây dựng một kế hoạch năm trong đó đề cập đến các dự án khác nhau thực hiện trong năm.

Với trẻ chậm phát triển trí tuệ, ta cần phải đưa ra các chủ đề cụ thể và được minh họa rõ ràng có sử dụng nhiều đồ vật cụ thể mà trẻ có thể cầm nắm, sờ mó được.

II. Lựa chọn các chủ đề và dự án

Các chủ đề và dự án có thể xoay quanh ba nhóm sau: Hoàn cảnh sống, Hiện thực, Môi trường.

1. Hoàn cảnh sống

•  Nhà của em

•  Gia đình em

•  Các bé trai và các bé gái

•  Quần áo

•  Nấu nướng

•  Bị ốm

•  Bệnh viện

•  Nghề nghiệp, công việc của cha mẹ

2. Hiện thực

•  Các sự kiện có thể đoán trước được

•  Tết

•  Tết trung thu

•  Tết thiếu nhi

•  Ngày quốc khánh

•  Các sự kiện không đoán trước được

•  Một tai nạn giao thông

•  Một vụ hỏa hoạn

3. Môi trường

A. Môi trường văn hóa xã hội

•  Hàng xóm láng giềng, khu vực sinh sống

•  Thành phố của em, làng của em

•  Chùa

•  Chợ

•  Giao thông

•  Nhà ga xe lửa

•  Bưu điện

•  Cửa hàng bánh mì, hàng thịt

B. Môi trường tự nhiên

•  Một nông trang

•  Thú hoang và thú nuôi

•  Nước

•  Thời tiết: mưa, bão, sấm, sét

•  Mặt trời, mặt trăng, sao, ban ngày, ban đêm

•  Các mùa: xuân, hạ, thu, đông

•  Vườn: hoa, cây cối

•  Biển

Mỗi giáo viên phải chọn được các chủ đề phù hợp với trẻ, sau khi đã xem xét môi trường sống thực của trẻ.

Một số chủ đề mang tính phức tạp cao hơn các chủ đề khác, một số chủ đề có thể được chia thành nhiều tiểu chủ đề (ví dụ: chủ đề “bị ốm” có thể được chia thành các tiểu chủ đề như “bác sĩ”, “bệnh viện”, “xe cứu thương”)

Sau khi có được một cái nhìn tổng quan về các chủ đề phủ hợp, ta sẽ xây dựng được kế hoạch năm phục vụ cho việc giảng dậy theo chủ đề. Kế hoạch năm này sẽ rất hữu ích trong việc ây dựng các kế hoạch ngày, tuần.

Các hoạt động giáo viên lựa chọn phải được liên hệ trực tiếp với các mục tiêu của một chủ đề nhất định. Giáo viên có thể tiến hành nhiều hoạt động như:

•  Kể chuyện

•  Các bài thơ

•  Các bài hát

•  Cung cấp thông tin (ví dụ: dùng phim đèn chiếu, các thiết bị nghe nhìn...)

•  Yêu cầu trẻ tự thu nhận và trình bầy thông tin (ví dụ: các thông tin từ áp-phích)

•  Thảo luận

•  Các hoạt động chơi

•  Các hoạt động mang tính xây dựng (ví dụ: làm các đồ vật phù hợp với đề tài - làm một ngôi nhà bằng bìa cứng)

•  Tham quan, đi thực tế

Khi giảng dậy theo chủ đề, giáo viên nên quyết định:

•  Làm việc với một số trẻ hay toàn bộ trẻ

•  Các hoạt động mang tính bắt buộc hay tùy ý

•  Chủ đề có thể được đưa vào những bộ môn nào trong thời khóa biểu của hôm ấy.

•  Một chủ đề sẽ được thực hiện trong bao lâu

III. Các bước thực hiện

1. Chuẩn bị

Khi giáo viên xây dựng kế hoạch cho một chủ đề hoặc một dự án nên tuân theo các bước sau đây:

•  Chọn chủ đề

•  Quyết định các mục tiêu cần đạt được: các mục tiêu cụ thể nào là quan trọng (ví dụ: khi chủ đề là “nấu nướng”, ta nên chú ý vào việc chọn bữa ăn, lập một danh sách mua hàng, mua các thực phẩm và các phụ kiện cần thiết, công thức nấu ăn, số lượng-trọng lượng-thời gian, kiểm tra,...)

•  Chọn các hoạt động: các hoạt động nào sẽ phù hợp với mục tiêu, mục đích này

•  Tổ chức: Phải chuẩn bị những gì (tài liệu, công cụ, thiết bị, thông tin)?; Lớp học nên được trang trí như thế nào?; Các hoạt động khác nhau sẽ được lên lịch như thế nào?; Giáo viên sẽ cần những sự trợ giúp gì?;...

•  Mỗi chủ đề sẽ được thực hiện trong bao lâu

2. Giới thiệu

Khi giới thiệu chủ đề, giáo viên nên cố gắng liên hệ càng nhiều càng tốt các nội dung của chủ đề với các kiến thức trẻ đã có trước đó. Giáo viên không nhất thiết phải luôn bắt đầu bằng việc trình bầy về chủ đề; giáo viên có thể bắt đầu bằng một bài hát, một phim đèn chiếu hay một đoạn băng video...

3. Hướng dẫn

Khi thực hiện chủ đề, ta nên chú ý đặc biệt đến việc duy trì sự chú ý của trẻ, hỗ trợ trẻ trong việc sáng tạo ra các kế hoạch khác nhau cho các hoạt động, hỗ trợ sự hợp tác giữa trẻ, tư duy về các kinh nghiệm khác nhau và luôn bám theo các mục tiêu, mục đích đã được đặt ra.

4. Kết thúc

Có nhiều cách để kết thúc một chủ đề, dự án. Đôi khi sẽ rất hay nếu ta có thể tổ chức một buổi lễ kết thúc và có một màn trình diễn (ví dụ: ta có thể tổ chức một màn trình diễn thời trang nếu chủ đề là “quần áo”), tổ chức một triển lãm hay cho mỗi trẻ một sổ tổng kết dự án để trẻ có thể đem về nhà. Thường thì không cần phải chú ý đặc biệt việc kết thúc một chủ đề. Một chủ đề khi kết thúc sẽ được tiếp nối ngay bằng một chủ đề khác.

5. Đánh giá

Cũng như tất cả các hoạt động được thực hiện theo kế hoạch trong lớp học, ta nên tiến hành đánh giá khi kết thúc:

•  Chủ đề được chọn có hợp lý không?

•  Các nội dung được đưa ra có phù hợp với trẻ không?

•  Các mục tiêu có mang tính thực tế không?

•  Các hoạt động được chọn có hợp lý không?

•  Các tài liệu/công cụ/ thiết bị được chọn có phù hợp không?

•  Việc tổ chức có vấn đề gì không?