Skip to content

Nhà trường và phụ huynh/ School & Family

Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Giáo Dục Đặc Biệt
Khoá bồi dưỡng mùa hè cho các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các tỉnh phía Bắc

Bài 2

Cộng tác giữa gia đình và nhà trường  

Giảng viên: Nguyễn Ngọc Mai Hương

Cố vấn chuyên môn: THS. HAN VAN ESCH

Hà Nội, tháng 3 năm 2001

MỤC TIÊU CHUNG :

Cần chú ý đặc biệt tới vai trò của cha mẹ trẻ chậm phát triển trí tuệ. Những bậc cha mẹ này là những người hiểu biết đầy đủ về trẻ và có thể cộng tác đắc lực với nhà trường trong việc giáo dục trẻ.

CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ :

Về kiến thức :

  1. Giáo viên nhận thức được khái niệm các hệ thống gia đình.
  2. Giáo viên hiểu được giá trị của việc cha mẹ tham gia vào công tác giáo dục tại trường.
  3. Giáo viên biết các phương pháp khác nhau để giao tiếp với cha mẹ học sinh.
  4. Giáo viên hiểu được giá trị của việc cha mẹ tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân.

Về kỹ năng :

  1. Giáo viên có khả năng giao tiếp phù hợp với cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ.
  2. Giáo viên biết cách khuyến khích các bậc cha mẹ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân.
  3. Giáo viên biết cách tổ chức và dẫn dắt một cuộc họp bàn về kế hoạch giáo dục cá nhân.

Về thái độ:

Giáo viên thể hiện thái độ tôn trọng và thông cảm đối với cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ.

NỘI DUNG

CHƯƠNG I : HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

• I. Các hệ thống gia đình

• II. Tương tác gia đình

• III. Các chức năng gia đình

• IV. Chu kỳ sống của gia đình

CHƯƠNG II : KHI MỘT TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ ĐƯỢC SINH RA TRONG GIA ĐÌNH

• I. Vấn đề tâm lý của cha mẹ khi có con chậm phát triển trí tuệ

• II. Những khó khăn đối với một gia đình có con chậm phát triển trí tuệ

CHƯƠNG III : CỘNG TÁC GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH.

• I. Sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động của nhà trường.

• II. Giao tiếp với cha mẹ học sinh.

• III. Họp bàn về Kế hoạch giáo dục cá nhân.

• IV. Cộng tác trong thực hiệc các mục tiêu giáo dục.

CHƯƠNG I: HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

Hệ thống gia đình bao gồm 4 thành phần: Các đặc tính của gia đình, sự tương tác, các chức năng và chu kỳ sống. Các thành phần này tạo nên đặc tính riêng biệt của từng hệ thống gia đình.

I.  Các đặc tính của gia đình

Ba vấn đề cần chú ý trong đặc tính gia đình là:

_ Các đặc điểm chung của gia đình.

_ Các đặc điểm riêng của từng thành viên trong gia đình.

_ Các thử thách nảy sinh.

  1. Các đặc điểm chung của gia đìnhCác gia đình khác nhau rất nhiều về :_ Kích cỡ và dạng._ Văn hóa._ Kinh tế._ Vị trí địa lý.
  2. Các đặc điểm riêng của từng thành viên trong gia đình._ Các đặc điểm riêng của từng thành viên trong gia đình bao gồm tình trạng sức khoẻ, tinh thần, phong cách ứng xử cá nhân của từng người._ Các đặc điểm của thành viên chậm phát triển trí tuệ trong gia đình ảnh hưởng lớn đến hệ thống gia đình.
  3. Các thử thách nảy sinh.Các gia đình thường phải đối mặt với nhiều thử thách.Có thể chia thành 2 loại thử thách :_ Những thử thách thường gặp: là những thử thách tất cả các gia đình đều phải gặp như bệnh tật, có người chết …_ Những thử thách đặc biệt: là những thử thách chỉ xuất hiện ở một số gia đình như có người nghiện ma túy, bạo lực gia đình, có cha mẹ chậm phát triển trí tuệ …

 II. Tương tác gia đình

Mỗi gia đình đều có nhiều mối tương tác bên trong. Các thành viên ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của nhau. Bất kỳ sự tương tác nào với một thành viên gia đình đều tác động đến gia đình.

Cần hiểu được 2 khái niệm cơ bản trong mối tương tác gia đình, đó là:

_ Các tiểu hệ thống trong gia đình.

_ Cách thức các gia đình tạo lập sự cân bằng thông qua gắn kết và điều chỉnh.

  1. Các tiểu hệ thống trong gia đình_ Tiểu hệ thống hôn nhân: tương tác vợ chồng_ Tiểu hệ thống cha mẹ : tương tác giữa cha mẹ và con cái._ Tiểu hệ thống anh chị em: : tương tác giữa anh chị em với nhau_ Tiểu hệ thống gia đình mở rộng: tương tác của cả gia đình hoặc mỗi thành viên với họ hàng, bạn bè hàng xóm và các chuyên gia. Có sự khác nhau giữa các tiểu hệ thống trong gia đình.
  2. Tạo lập sự cân bằng gia đình nhờ gắn kết và điều chỉnh_ Gắn kết : là sự cân bằng giữa các quan hệ tình cảm thân mật với sự độc lập cá nhân. Vấn đề là làm thế nào để duy trì sự thân mật mà vẫn độc lập, có tương tác mà không phụ thuộc._ Điều chỉnh : là khả năng các gia đình có thể thay đổi và tạo lập những phản ứng mới nhằm đối phó với tình huống mới nảy sinh.

 III. Các chức năng gia đình

1.  Các chức năng gia đình

Gia đình tồn tại để phục vụ các nhu cầu cá nhân và nhu cầu tập thể của các thành viên.

Các chức năng gia đình bao gồm:

•  Yêu thương

•  Tự chủ

•  Hỗ trợ kinh tế

•  Chăm sóc hàng ngày

•  Xã hội hóa

•  Nghỉ ngơi và giải trí

•  Giáo dục

Các chức năng của gia đình không hề tách rời nhau. Một chức năng này có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm các chức năng khác.

 IV. Chu kỳ sống của gia đình

Các gia đình đều trải qua các giai đoạn và các bước chuyển tiếp trong chu kỳ sống của gia đình

•  Các giai đoạn chính

Có 6 giai đoạn chính trong chu kỳ sống gia đình :

•  Sinh ra và thời thơ ấu

•  Các năm học tiểu học

•  Thanh thiếu niên

•  Thanh niên

•  Trung niên

•  Tuổi già

Mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống, gia đình sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Bốn giai đoạn đầu tiên trong chu kỳ sống là những giai đoạn mà các gia đình và các nhà sư phạm liên hệ chặt với nhau.

•  Các giai đoạn chuyển tiếp

Các giai đoạn chuyển tiếp là thời kỳ các gia đình chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Các giai đoạn chuyển tiếp thường có những thay đổi về kỳ vọng và các dịch vụ nên các gia đình thường gặp nhiều khó khăn.

SƠ ĐỒ VỀ HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

CHƯƠNG II: KHI MỘT TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ ĐƯỢC SINH RA TRONG GIA ĐÌNH

I . Vấn đề tâm lý của cha mẹ khi có con chậm phát triển trí tuệ

Chúng ta thấy rằng sự ra đời của đứa trẻ tạo ra nhiều thay đổi trong gia đình và trong cuộc sống của các thành viên trong gia đình đó. Bố mẹ thường có mơ ước và hy vọng ở con mình. Ông bà cũng có những mơ ước và hy vọng ở cháu mình. Gia đình cũng có những mơ ước và hy vọng ở thành viên mới này. Tất cả những mơ ước và hy vọng này dựa trên những tưởng tượng về một đứa trẻ khỏe mạnh, không ai mong muốn một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ cả.

Có thể đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ một cách rõ ràng ngay khi sinh ra, nhưng cũng có khi sau này mới phát hiện ra là trẻ bị chậm phát triển trí tuệ. Để hiểu được phản ứng tình cảm có thể của bố mẹ, chúng ta có thể so sánh những phản ứng này với nỗi đau mất mát người thân.

Trong thực tế một cái gì đó đã mất. Sự tưởng tượng về một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh đã chết.

Những gia đình của trẻ chậm phát triển trí tuệ thường trải qua những giai đoạn sau trong phản ứng tình cảm:

1. Bị sốc, không tin, chối từ

Phản ứng tâm lý đầu tiên của cha mẹ (và cũng của những thành viên khác trong gia đình như ông bà) là bị sốc, không tin việc đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ. Cha mẹ có thể phản ứng với cảm giác xấu hổ, có lỗi và thấy mình không ra gì. Khi tình trạng của đứa trẻ không được rõ ràng, cha mẹ có thể chối bỏ hoàn cảnh hiện hữu. Một số cha mẹ thì đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. May ra thì có ai đó sẽ nói con họ không sao cả. Một số cha mẹ từ chối tìm kiếm bất cứ sự hướng dẫn nào.

2,Giận dữ và bực tức

Lúc nay cha mẹ không còn chối bỏ sự tồn tại hay tình trạng của đứa trẻ, cảm xúc như giận dữ, bực tức hay ghen tị (với cha mẹ của trẻ bình thường) có thể xuất hiện. Họ có thể chấp nhận tình trạng của đứa trẻ và các nan đề theo lý trí, nhưng về tình cảm thì họ rất bối rối. Điều này có thể dẫn tới sự giận dữ đối với các nhà chuyên môn muốn giúp họ.

3. Mặc cả

Trong giai đoạn này, cha mẹ cố gắng làm hết sức mình để thoát khỏi vấn đề này. Thật ra đây là sự trì hoãn của chấp nhận sự thật không thể tránh được.

4. Đau khổ và thất vọng

Trong giai đoạn này cha mẹ có thể thấy vô vọng và đơn độc. Đây là giai đoạn than khóc về sự mất mát của hình ảnh một đứa trẻ bình thường. Một khi sự than khóc này xuất hiện, cha mẹ sẽ bắt đầu chấp nhận đứa trẻnhư là chính nó. Cha mẹ có thể quan tâm đến việc tìm ra biện pháp thực tế để giải quyết vấn đề.

5. Chấp nhận

Giai đoạn cuối cùng này có nghĩa là cha mẹ có mong muốn làm những việc thiết thực, có ích. Đây không có nghĩa là tình trạng khuyết tật được chấp nhận như không thể thay đổi được, mà cha mẹ chấp nhận sự cần thiết phải học những cách để có thể sữa chữa những ảnh hưởng không tốt đến tình trạng của trẻ.

Không phải tất cả cha mẹ đều phản ứng cùng một cách. Có những phản ứng khác nhau giữa người bố và người mẹ. Một số cha mẹ phải trải qua tất cả những giai đoạn này, nhưng những người khác thì chỉ trải qua một số. Những giai đoạn này có thể quay lại nhất là khi có vấn đề nan giải.

II. Những khó khăn đối với một gia đình có con chậm phát triển trí tuệ

Sự ra đời của một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ có những ý nghĩa thực tế nào đối với gia đình? Những thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng trước sự ra đời của trẻ khuyết tật như thế nào? Ông bà? Cha mẹ? Anh chị em? (nếu có)

Trách nhiệm và công việc của gia đình với trẻ chậm phát triển trí tuệ có vẻ như tăng lên, việc này gây thêm mệt mỏi. Những đặt tính của trẻ chậm phát triển trí tuệ có ảnh hưởng đến vai trò chăm sóc, bảo vệ giáo dục và xã hội của phụ huynh.

Nghiên cứu cho thấy, những người chị lớn thường nhận vai trò chăm sóc ban đầu cho đứa trẻ khuyết tật. Sự xuất hiện của đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ làm giới hạn khả năng hoàn tất các chức năng đặt trưng của gia đình. Gia đình cũng phải đối diện với những vai trò chức năng khác, khó giải quyết, chẳng hạn như nhu cầu chăm sóc đặt biệt. Ảnh hưởng của phần lớn các khuyết tật làm cho sự phát triển của trẻ bị đình trệ, chậm lại. Nhiều trẻ chậm phát triển trí tuệ chỉ làm được ít việc trong phát triển bình thường ở tuổi thơ ấu. Hơn nữa những trẻ chậm phát triển trí tuệ phải đối diện với những việc mà trẻ bình thường không gặp phải (đi bệnh viện liên tục và các dấu hiệu bệnh).

Những khó khăn mà gia đình của trẻ chậm phát triển trí tuệ nặng thường gặp:

- Thuốc điều trị, phẫu thuật hay viện phí đắt tiền diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài.

- Những chi phí quá nặng và gánh nặng tài chính vượt quá chi phí y tế cho nhu cầu như thức ăn và dụng cụ đặt biệt.

- Sợ hãi lo lắng, kiệt sức, những vấn đề nan giải thường xảy ra.

- Những vấn đề về đi lại.

- Nghỉ việc để đưa trẻ đi khám bác sĩ.

- Không thể chi phí cho việc trông con.

- Đòi hỏi ngày đêm với phụ huynh trong những việc chăm sóc bình thường nhưng rất khó khăn (ví dụ cho một trẻ bại não ăn).

- Mệt mỏi thường xuyên, thiếu ngủ, ít hoặc không có thời gian cho nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình.

- Cảm xúc ghen tị hay bỏ rơi trong anh chị em của trẻ hoặc ở các thành viện khác trong gia đình.

- Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng về tài chính, mệt mỏi, bất đồng trong cách xử lý khuyết tật của trẻ.

- Cơ hội giáo dục để đáp ứng những nhu cầu đặt biệt của trẻ.

CHƯƠNG III: CỘNG TÁC GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG

I.  Sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động của nhà trường

Như đã đề cập ở trên, mức độ tham gia của các bậc cha mẹ có con chậm phát triển trí tuệ vào các hoạt động của nhà trường khác nhau rất nhiều. Mặc dù các nhà trường phải tôn trọng sự lựa chọn của các bậc cha mẹ nhưng họ vẫn có thể khuyến khích cha mẹ tham gia vào quá trình giáo dục con mình. Các giáo viên trong trường và gia đình của trẻ chậm phát triển trí tuệ nên cộng tác với nhau để tối đa hóa những nổ lực giáo dục đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Có rất nhiều lý do tại sao cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ cần được khuyến khích để tham gia vào quá trình giáo dục trẻ:

- Cha mẹ hiểu đứa trẻ hơn các giáo viên trong trường. Do đó, họ là một đối tác quan trọng của nhà trường.

- Các thành viên trong gia đình có thể thúc đẩy việc chuyển giao kiến thức học được ở trường vào cuộc sống gia đình và các môi trường trong cộng đồng.

- Trẻ sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn nếu cha mẹ chúng và các giáo viên trong trường duy trỉ những kỳ vọng giống nhau.

- Các cha mẹ tham gia vào các hoạt động của nhà trường sẽ tương tác và hưởng lợi từ việc tương tác với cha mẹ của trẻ chậm phát triển trí tuệ khác.

Có rất nhiều cách để cha mẹ có thể tham gia vào quá trình giáo dục đứa con chậm phát triển trí tuệ của mình. Ưu tiên hàng đầu là sự giao tiếp hiệu quả giữa cha mẹ và các giáo viên trong trường. Nếu không có sự giao tiếp này thì mọi nỗ lực cộng tác đều gặp rất nhiều khó khăn nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

II. Giao tiếp với các bậc cha mẹ

Một nhân tố chủ chốt trong sự cộng tác giữa nhà trường và cha mẹ là sự giao tiếp giữa 2 bên. Thông thường các vấn đề nảy sinh giữa nhà trường và gia đình có thể tránh được nếu có sự giao tiếp hợp lý giữa 2 bên. Giao tiếp với cha mẹ1-2 lần trong năm, hoặc giao tiếp với cha mẹ thường xuyên, nhưng không đưa họ những thông tin hữu ích thì sẽ không thể thúc đẩy việc giáo dục đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Giao tiếp giữa nhà trường và cha mẹ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Nó không nhất thiết phải là giao tiếp trang trọng, bằng văn bản. Giao tiếp hiệu quả vẫn có thể diễn ra dưới các hình thức bình thường như gọi điện, gửi thông báo, hoặc các hình thức giao tiếp khác. Khi giao tiếp với cha mẹ, nhà trường không nên lấy tư cách “giảng dạy” cho các cha mẹ. Mặc dù một số bậc cha mẹ có thể có trình độ học vấn thấp nhưng họ vẫn có khả năng hiểu các thông tin và họ nên được coi như các “đối tác quan trọng” trong quá trình giáo dục trẻ.

Khi tiếp xúc với cha mẹ học sinh, các giáo viên nên lựa chọn từ ngữ cẩn thận. Một số từ có thể mang ý nghĩa rất tiêu cực trong khi có những từ chuyển tải nội dung mà lại mang sắc thái tích cực hơn. Khi giao tiếp với cha mẹ học sinh các giáo viên cũng nên biết về các khác biệt văn hóa và ngôn ngữ có thể có.

1.Những trao đổi không chính thức

Những trao đổi không chính thức không đòi hỏi sự chuẩn bị. Các giáo viên có thể tình cờ gặp cha mẹ của trẻ ở một nơi nào đó và nói chuyện về đứa trẻ. Các giáo viên nên luôn sẵn sàng nói chuyện với các bậc cha mẹ về con cái họ, bất kể ở môi trường nào. Tuy nhiên, các giáo viên không nên bàn những thông tin nên được giữ kín tại những nơi có nhiều người. Nếu có người khác xen vào những câu chuyện nên được giữ kín này thì giáo viên nên đề nghị gặp cha mẹ trẻ ở một nơi khác để tiếp tục câu chuyện. Khi đã đưa ra đề nghị, các giáo viên cần phải tôn trọng và lên lịch gặp cha mẹ.

2. Quan sát của cha mẹ

Nhiều cha mẹ trẻ muốn biết con mình làm gì ở trường. Giáo viên nên đáp ứng nhu cầu này của họ. Giáo viên có thể bàn với cha mẹ, chọn một thời điểm thích hợp cho họ quan sát con mình tại trường.

3. Gọi điện thoại

Các giáo viên nên sử dụng điện thoại như một phương tiện hữu hiệu để liên lạc với các bậc cha mẹ. Cha mẹ sẽ cảm thấy rằng giáo viên quan tâm đến con mình nếu giáo viên gọi điện và bàn về tiến bộ của đứa trẻ. Khi sử dụng điện thoại để giao tiếp với cha mẹ học sinh, các giáo viên nên lưu ý gọi điện khi có tin vui hoặc khi đứa trẻ có vấn đề. Đôi khi, đặt biệt đối với những bậc cha mẹ phải làm việc cả ngày, giáo viên nên gọi điện vào buổi tối hoặc cuối tuần.

4. Thông báo

Giao tiếp bằng văn bản cũng là một phương pháp hiệu quả. Khi dùng phương pháp này, các giáo viên nên biết trình độ văn hóa của cha mẹ học sinh và dùng ngôn ngữ phù hợp với trình độ của họ. Nếu cha mẹ không hiểu được những thông báo của giáo viên thì họ có thể cảm thấy rất lo sợ. Khi sử dụng giao tiếp bằng văn bản, giáo viên nên tạo cơ hội cho cha mẹ được phản hồi, hoặc bằng văn bản hoặc bằng điện thoại.

5. Đến thăm gia đình học sinh

Không có cách nào để hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh tốt hơn việc đến thăm gia đình học sinh. Điều này sẽ mang lại cho giáo viên một lượng thông tin lớn để có thể hiểu học sinh tốt hơn nhưng giáo viên thường khó sắp xếp được một cuộc viếng thăm. Khi có thể, các giáo viên trong trường nên cố gắng yêu cầu được tạo điều kiện để đi thăm học sinh. Khi đến thăm nhà học sinh, các giáo viên cần lưu ý:

•  Chuẩn bị sẵn thông tin cụ thể để thông báo hoặc thu thập.

•  Hẹn trước và kiểm tra lại trước khi đến.

•  Nếu muốn gặp riêng cha mẹ thì nên tìm hiểu xem có thể để trẻ ở chỗ khác trong cuộc gặp hay không.

•  Đến đúng hẹn.

•  Không nên ở chơi quá lâu.

•  Nên cân bằng giữa nói và nghe.

•  Rời nhà học sinh với một tin tức tích cực.

6. Hội thảo với các cha mẹ

Hội thảo với các cha mẹ thường được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về giáo dục cho một số lượng lớn các bậc cha mẹ. Tại các hội thảo này, người ta có thể mời các chuyên gia đến nói chuyện, có chiếu phim, trưng bày sách... Chúng thường được tổ chức 3 lần mỗi năm học.

Một số cha mẹ đi dự hội thảo chủ yếu để tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trong khi một số khác chủ yếu mong muốn gặp và nói chuyện với những cha mẹ có con chậm phát triển trí tuệ khác hoặc nói chuyện với giáo viên và những người tham gia vào giáo dục đứa trẻ.

Do có sự đa dạng trong nhau cầu của những bậc cha mẹ tham gia hội thảo nên các cuộc hội thảo nên có sự cân bằng giữa các vấn đề giáo dục với mục đích lôi kéo sự tham gia xã hội của cha mẹ học sinh.

Một cuộc hội thảo cho cha mẹ học sinh nên được tổ chức vào một thời điểm thuận tiện cho các bậc cha mẹ để có thể có nhiều người đến dự. Hội thảo nên được thông báo trước.

Không khí trong cuộc hội thảo cha mẹ học sinh nên thân thiện thoải mái và ân cần. Nếu các nhân viên trong trường học căng thẳng thì các bậc cha mẹ cũng cảm thấy căng thẳng. Các chuyên gia cần chuẩn bị những hoạt động nhằm làm giảm căng thẳng, mang lại nụ cười cho những người tham gia và thăm hỏi họ. Nên có thời gian dành cho hỏi – đáp trong hội thảo.

III. Các cuộc họp bàn về kề hoạch giáo dục cá nhân

Các bậc cha mẹ nên tham gia vào việc xậy dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (KHGDCN) cho con mình. Vì cha mẹ thường biết rõ về đứa trẻ hơn là nhà trường nên thông tin của họ có ý nghĩa rất lớn. Cha mẹ là người tiếp xúc với trẻ trong một thời gian dài và mỗi ngày, thời gian trẻ ở nhà cũng nhiều hơn thời gian trẻ ở trường vì thế nhà trường nên tận dụng những thông tin của cha mẹ về đứa trẻ trong quá trình xây dựng KHGDCN sao cho nó phù hợp với cuộc sống thực của trẻ.

Vì vai trò của cha mẹ là rất quan trọng nên nhà trường nên tiến hành một số bước để đảm bảo cha hoặc mẹ hoặc cả 2 người có thể tham gia vào cuộc họp xây dựng KHGDCN. Những bước này bao gồm: thông báo trước về cuộc họp và đặt lịch họp sao cho thuận tiện với cả 2 phía. Phía nhà trường nên làm cho cha mẹ cảm thấy yên tâm khi tham gia vào cuộc họp.

Cha mẹ có thể mời các thành viên trong gia đình hoặc những người khác có hiểu biết về đứa trẻ đến tham gia cuộc họp xây dựng KHGDCN. Điều này sẽ giúp cha mẹ cảm thấy mình có đồng minh và có thêm thông tin cho việc xây dựng kế hoạch.

IV. Cộng tác trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục

Sự tham gia của cha mẹ vào công tác giáo dục cho đứa con chậm phát triển trí tuệ thường không đơn thuần là việc tham gia vào cuộc họp bàn về KHGDCN cho đứa trẻ. Sự cộng tác giữa gia đình và nhà trường là điều hết sức cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong KHGDCN, nhất là đối với các mục tiêu về kỹ năng trong môi trường gia đình và cộng đồng.

Các kỹ năng tại nhà và cộng đồng có một vai trò quan trọng khi đứa trẻ lớn lên. Trẻ nhỏ thường phụ thuộc vào người chăm sóc, và người chăm sóc trong các hoạt động sống thường ngày ( ví dụ như chuẩn bị bữa ăn) và trong việc tiếp cận cộng đồng (ví dụ việc đi chợ). Trái lại, một phần quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuộc sống thanh thiếu niên lên cuộc sống người lớn là sự tăng cường quyền tự chủ trong cuộc sống tại nhà và cộng đồng.

Các kỹ năng tại nhà và cộng đồng có thể bao gồm:

•  Chuẩn bị thức ăn: lên kế hoạch cho bữa ăn, chuẩn bị đồ ăn, bảo quản thực phẩm một cách an toàn và dọn dẹp.

•  Quản lý nhà cửa: lau dọn và giặt đồ.

•  An toàn: làm gì khi có hỏa hoạn, các kỹ năng sơ cứu, các kỹ năng an toàn nhà cửa, các kỹ năng an toàn nơi công cộng (ví dụ qua đường).

•  Sử dụng điện thoại.

•  Giáo dục giới tính: tạo các tiếp xúc cơ thể hợp lý, tránh quấy rối và lạm dụng tình dục.

•  Mua bán (đi chợ).

•  Đi lại trong cộng đồng.

Cộng tác với cha mẹ là cần thiết để xác định những kỹ năng sẽ được sử dụng tại nhà. Ví dụ khi ở trường, giáo viên muốn dạy học sinh giặt đồ thì giáo viên nên biết tại nhà học sinh việc giặt giũ được thực hiện bằng tay hay bằng máy. Khi giáo viên dạy học sinh dùng điện thoại, họ nên biết tại nhà học sinh dùng điện thoại loại nào.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tham gia vào các hướng dẫn thực tế nếu như công việc này làm mất quá nhiều thời gian của nhà trường.