Skip to content

Quản lý Bệnh/ Managing ADHD

Quản lý Bệnh Tăng Động Thiếu Tập Trung (ADHD)

Những trị liệu hiệu quả được sử dụng để quản lý bệnh tăng động thiếu tập trung bao gồm:

1.  Thay đổi môi trường ở nhà, ở trường, hoặc ở nơi làm việc để sinh hoạt được tiến bộ hơn.

2.  Thay đổi công việc để tiến bộ trong cách làm.

3.  Áp dụng những trị liệu hành vi để giúp thay đổi hành vi tăng động thiếu tập trung.

4.  Có thể dùng thuốc.

Ở nhà

Khi ra mệnh lệnh hoặc yêu cầu trẻ làm gì

1.  Chỉ ra một mệnh lệnh mỗi lần.

2.  Nếu công việc có nhiều phần, chia ra thành từng phần nhỏ. Yêu cầu trẻ làm phần đầu, sau đó làm phần kế, rồi đến những phần sau.

3.  Tăng sự chú ý bằng cách yêu cầu trẻ nhìn vào mặt bạn và lập lại điều bạn nói.

4.  Nếu bạn muốn yêu cầu trẻ luôn làm cùng một công việc như dọn dẹp sau khi ăn, hãy làm một chương trình rõ ràng về những bước trẻ cần phải làm. Đánh số từng bước của công việc và treo lên ở nơi sinh hoạt xảy ra. Lập lại chương trình thường xuyên với trẻ và nói rõ hậu quả sẽ như thế nào nếu chương trình không được tuân theo (như những hậu quả tự nhiên hay hợp lý, thời gian tách biệt, hay mất quyền lợi).

5.   Những luật lệ cho trẻ tăng động thiếu tập trung cần phải rõ, cụ thể, trực tiếp, và được áp dụng cách nhất quán. Hướng dẫn cách ngắn gọn và mỗi lần chỉ tập trung vào một việc. Khi muốn thử thay đổi hành vi để theo luật lệ, thử từ một đến hai hành vi mỗi lần cho đến khi hành vi mới đã đạt được.

Tăng sự tổ chức bằng cách tập cho trẻ có những bổn phận

1.  Nhận xét vấn đề (như về muộn, quên đồ, không làm việc nhà, v.v. )

2.  Thiết lập thói quen để giải quyết vấn đề cụ thể bằng cách chia vấn đề ra thành chuỗi hoạt động có thứ tự. Những thói quen này dựa trên 3 then chốt: nhớ, lập lại, và nhắc.

Ðề nghị về củng cố:

Bắt đầu với bước nhỏ, ghi xuống bao nhiêu ngày liền trẻ chu toàn bổn phận bằng cách viết biểu đồ hay lịch, khen, củng cố trẻ khi xây dựng được một thói quen mới.

Cho trẻ nhiều phản hồi. Cho trẻ những thông tin thường xuyên và khách quan để trả lời câu hỏi ‘Con làm như thế nào?’. Ðừng tiết kiệm lời khen cho những hành vi tốt nhưng cũng đừng khen giả bộ. Trẻ tăng động thiếu tập trung cần được phụ huynh chú tâm vào những ưu điểm, hành vi tốt, và sự thành công của trẻ.

Ðề nghị trợ giúp trẻ học hỏi cách tổ chức:

a.  Làm gương về những hành vi tổ chức mà bạn muốn trẻ học (chính bạn sử dụng lịch hay giữ buổi họp gia đình hàng tuần)

b.  Sử dụng danh sách và treo những danh sách xung quanh nhà (lịch, sổ viết kế hoạch hàng ngày, sổ viết bài tập phải làm, miếng giấy nhỏ để nhắc nhở, v.v.). Làm những danh sách cho nhà vệ sinh và phòng ngủ. Treo lên ở cửa phòng ngủ.

c.  Chắc chắn bạn và trẻ đều có lịch để viết kế hoạch, những ngày hẹn, bài vở, ngày thi và đánh dấu những ngày cần nhớ. Nên coi lịch hàng ngày hoặc nhiều lần trong ngày.

d.  Xác định chỗ đựng đồ bằng cách xếp loại và luôn đựng đồ đúng chỗ khi trẻ về nhà. Nên có chỗ riêng cho cặp, đồ ăn trưa, chìa khóa, v.v.

e.  Làm một tủ cất bài vở của trẻ (xếp loại theo môn học, đồ chơi, hoạt động, v.v.)

f.  Dọn dẹp tủ với trẻ (vứt đi những gì không cần và tổ chức bằng cách dán nhãn lên tủ).

g.  Dùng ‘hộp cuối tuần’ (đồ vật hay quần áo không cất đi, bỏ vào trong hộp này. Khi đầy, trẻ phải dọn dẹp những đồ trong hộp cuối tuần đó như hậu quả hợp lý để tập thói quen có tổ chức).

h.  Khuyến khích trẻ có sổ ghi địa chỉ / số điện thoại khi trẻ còn nhỏ.

i.  Có lịch cho nguyên gia đình. Giữ buổi họp gia đình về những ngày lễ sắp đến.

j.  Giới hạn những gì để ở trên bàn. Đừng để nhiều đồ ở trên bàn, và dọn dẹp bàn thường xuyên.

Thực hiện những thói quen

1.  Tạo một loạt thói quen đi ngủ một cách cụ thể. Sắp đặt giờ ngủ bao gồm thời gian nghỉ ngơi trước khi ngủ. Ghi lại tiến trình (chọn đồ ngủ, đánh răng, chọn truyện đọc, nằm trên giường, đọc truyện, tắt đèn). Thêm vào đó, nên chuẩn bị cặp vở đầy đủ để sẵn sàng mang theo sáng hôm sau. Chỗ để cặp tốt nhất là ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của trẻ để phụ huynh kiểm soát lại đêm đó.

2.  Tạo một chuỗi thói quen buổi sáng bao gồm chương trình cụ thể như thức dậy, tắm rửa, thay quần áo, ăn sáng, và đi học. Xác định những hậu quả khi không theo chương trình.

3.  Trẻ tăng động thiếu tập trung cần sự giúp đỡ làm kế hoạch và đón chờ sự thay đổi trong sinh hoạt (từ nhà đến trường, từ phòng này đến phòng kia). Giúp trẻ chuẩn bị trước để biết nên chờ đợi gì. Mỗi sáng, trước khi ra khỏi nhà nên khuyến khích trẻ có phản ứng xem lại để trẻ xem lại coi có thiếu gì không. Trẻ nên tự coi lại bản thân về quần áo mặc và nhẩm lại trong đầu chương trình của ngày hôm đó. Khuyến khích trẻ xem lịch. Trẻ có thể nói lớn trẻ sẽ đi đến đâu hôm nay, trẻ sẽ làm gì, và trẻ có đầy đủ đồ dùng cho ngày hôm nay không. Khuyến khích trẻ tự hỏi thường xuyên ‘Con có quên gì không?’

Thực hiện những trị liệu hành vi

Trẻ tăng động thiếu tập trung cần những trị liệu và kết quả có ý nghĩa, lập tức, và mạnh mẽ. Nên cho biết những kết quả tích cực và tiêu cực ngay lập tức để tạo sự liên kết rõ ràng giữa hành vi và kết quả. Mấy tiếng sau hay ngày sau, hành vi có thể bị quên, và tuần sau là quá xa xôi để trẻ hiểu. Nói ít và nhiều hành động là điều cần thiết đối với trẻ. Trẻ sẽ phản ứng tốt hơn với kết quả, chứ không có phản ứng tốt với lời nói hay lời khuyên.

1.  Sử dụng lời khen và làm lơ một cách có hệ thống

A.    Bình luận ngắn gọn, cụ thể, tích cực và thường xuyên, cho trẻ biết những gì trẻ đang làm đúng.

B.     Khen hành vi thực tế vừa được quan sát (như ‘Cô rất thích cách làm toán không nhìn lên của con’ hoặc ‘Con đã ngồi im làm bài 10 phút rồi!’). Tránh câu khen tính tình hay lời khen chung chung như ‘Con giỏi.’

C.     Làm lơ những hành vi tiêu cực không thích hợp mà chỉ tìm kiếm sự chú ý của trẻ. Lấy lại sự chú ý hoàn toàn đối với những hành vi tiêu cực bằng cách nhìn đi phía khác hoặc đi xa trẻ. Trẻ có thể bắt đầu những hành vi tệ hơn vì trẻ sẽ làm xấu hơn để gây sự chú ý. Sau một thời gian chuyện này sẽ tiến bộ hơn. Có thể phạt bằng thời gian tách biệt hoặc mất đặc quyền đối với hành vi không thể làm lơ được. Khi trẻ ngừng hành vi tiêu cực và tỏ ra bất cứ hành vi tích cực nào, chú ý ngay đến hành vi tích cực.

2.  Khiển trách ngay những hành vi lơ là. Dùng lời khiển trách cụ thể một cách kiên định nhưng bình tĩnh ngay sau khi xảy ra hành vi. Trước khi khiển trách, gây sự chú ý của trẻ bằng cách nhìn vào mặt trẻ. Chỉ nói về hành vi cụ thể, như ‘Con ra khỏi ghế khi đang trong giờ học. Ngồi xuống ngay’ hay ‘Ðừng đánh em, ngồi xuống, và làm bài toán ngay!’

3.  Tạo hệ thống củng cố phản hồi từ nhà đến trường bằng cách sử dụng hệ thống sổ hành vi ở trường:

     Hệ thống này bao gồm một cuốn tập nhỏ mà trẻ sẽ mang đến để giáo viên ký tên trước khi về. Bổn phận của trẻ là xin giáo viên ký, giáo viên không phải nhắc nhở. Giáo viên sẽ ghi lại hành vi của trẻ trong ngày đó, như là a) nếu trẻ ngồi im trong ghế b) nếu trẻ làm bài trong lớp c) nói chuyện vừa vừa (không nhiều quá) và d) nếu có hành vi thích hợp (không đánh lộn, chửi tục, đến trường muộn). Giáo viên cũng có thể viết nếu trẻ nộp bài hôm đó và ngày mai sẽ phải nộp bài nào. Giáo viên cũng có thể viết về những điều khác mà phụ huynh nên biết. Phụ huynh có thể sao lại những tờ có những lãnh vực phụ huynh muốn biết để giáo viên đánh dấu, ký tên, và ghi ngày tháng. Về đến nhà, trẻ sẽ đưa tập đó cho cha mẹ. Nếu trẻ bị những dấu của giáo viên nói về hành vi không tốt trong ngày đó hoặc nếu trẻ không mang về cuốn tập vì bất cứ lý do nào, những hình phạt có thể xảy ra, bao gồm hình phạt nặng như không được đi chơi ở ngoài, không được chơi với đồ chơi, không được có bạn qua nhà, không được coi ti vi ....

4.  Dùng hình phạt thời gian tách biệt cho hành vi quậy phá

A.    Chọn một vài hành vi trẻ sẽ bị phạt thời gian tách biệt. Ðịnh nghĩa những hành vi này và viết lên bảng ở nhà. Ðừng dùng hình phạt thời gian tách biệt cho mọi hành vi vì sẽ mất đi hiệu quả.

B.     Chọn chỗ cho thời gian tách biệt có hiệu quả. Chọn vị trí an toàn và buồn chán như ghế ở góc phòng. Nếu là phòng của trẻ, hãy chắc chắn trẻ không chơi với đồ chơi, không coi tivi, hay chơi điện tử trong phòng.

C.     Thời gian tách biệt nên ngắn, chỉ ít phút là đủ. Một đề nghị là một phút cho một tuổi (thí dụ 5 tuổi bị phạt 5 phút, 10 tuổi bị phạt 10 phút). Dùng chuông để kêu khi xong thời gian tách biệt.

D.    Dùng biểu tượng rõ ràng khi ra hình phạt thời gian tách biệt. Dùng ngón tay của bạn đếm ‘một, hai, ba’ để tỏ ra sắp sửa bị phạt thời gian tách biệt. Lời cảnh cáo đầu tiên là vừa đưa một ngón tay vừa nói ‘một’, lần thứ hai là ‘hai’ và lần thứ ba là sẽ bị phạt thời gian tách biệt. Những hành vi nghiêm trọng hơn không cần được cảnh cáo mà phạt thời gian tách biệt liền.

E.     Nếu trẻ thử ra khỏi ghế đang khi bị phạt thời gian tách biệt, phạt thêm một phút nữa mỗi lần trẻ thử ra khỏi ghế. Trẻ nhỏ hơn có thể bị giữ trong ghế bằng cách giữ vai các em. Những trẻ lớn tuổi và một số trẻ khác không nên giữ lại như vậy. Chúng có thể bị phạt bằng cách mất đặc quyền.

5. Củng cố hành vi bằng thưởng đồng xu /điểm

A.     Ðịnh nghĩa rõ ràng hành vi nào trẻ có thể lấy được (hay mất) đồng xu/ điểm. Viết và treo những luật này như ‘Làm xong mỗi trang toán, được 1 đồng xu/ điểm.’ Lập lại thường xuyên.

B.     Thưởng đồng xu /điểm cho trẻ ngay sau hành vi mong muốn.

C.     Có giờ nhất định cho trẻ đổi điểm để lấy đồ vật thưởng (thức ăn thích nhất, đồ chơi, hoạt động, đặc quyền).

D.     Đồng xu /điểm sẽ bị lấy lại cho những hành vi tiêu cực. Trẻ nên lấy được nhiều đồng xu/ điểm hơn là bị mất. Nếu không phương cách này sẽ không có hiệu quả.

 

Hướng dẫn những kỹ năng xã hội cho trẻ tăng động thiếu tập trung

Ba lãnh vực của những kỹ năng xã hội nên tập trung để tiến bộ

1)         Kỹ năng đàm thoại.

2)         Xây dựng tương quan.

3)         Ðương đầu với cảm xúc

Những kỹ năng xã hội quan trọng mà trẻ tăng động thiếu tập trung nên có

1.  Diễn tả thái độ tích cực. Nhiều trẻ không nhận thức được âm điệu, đặc điểm mặt, và cử điệu, do đó làm ảnh hưởng đến cách nhìn tiêu cực của người khác đối với trẻ tăng động thiếu tập trung.

2.  Nhìn vào mắt. Khuyến khích trẻ nhìn người nói và tập trung vào lời nói của họ. Ðối với trẻ nhỏ, dạy trò chơi ‘rađa’ để giúp trẻ tập trung như ‘rađa’ vào đôi mắt của người nói (hoặc trán, nếu như đe dọa quá).

3.  Tỏ ra thích thú. Trẻ tăng động thiếu tập trung gặp khó khăn giữ tập trung hoặc tỏ ra thích thú với người khác. Giúp trẻ hiểu cách nhìn buồn chán diễn tả ‘Con không thích bạn’ hay ‘Con không muốn nghe những gì bạn nói.’

4.  Tôn trọng biên giới thể chất. Dạy trẻ tôn trọng khu vực vô hình cá nhân của người khác. Dạy trẻ ở đâu là gần quá và cách đứng bên cạnh người khác mà không chạm đến họ.

5.  Nhận ra cử điệu. Dạy trẻ nhận ra nhóm bạn nào có nhiều cử điệu cởi mở hơn để dễ vào hoạt động trong nhóm. Học phân biệt nhóm nào cởi mở và nhóm nào khép kín (thành viên đứng gần nhau cách khép kín). Nhóm cởi mở hơn sẽ tăng sự thành công trong vấn đề tiếp xúc.

6.  Bắt đầu đàm thoại. Trẻ tăng động thiếu tập trung cảm thấy khó khăn trong việc gặp gỡ người khác. Chúng có thể không biết cách mở đầu đàm thoại.

7.  Ðương đầu với sự từ chối. Dạy những cách hiểu và đương đầu với sự từ chối. Diễn tập là một cách tốt nhất để luyện tập.

8.  Tránh sự bất đồng ý kiến. Học hỏi cách đương đầu với sự bất đồng ý kiến và thỏa hiệp là công việc có giá trị.

Dạy trẻ những bước giải quyết vấn đề

1.  Ðịnh nghĩa vấn đề, gồm những mục tiêu mong muốn.

2.  Làm danh sách của những khả năng giải quyết.

3.  Chỉ tập trung vào vấn đề thôi.

4.  Chọn một sự giải quyết.

5.  Thử cách giải quyết đã chọn.

6.  Tự sửa lại. Nếu cách giải quyết có kết quả tốt, tự chúc mừng. Nếu không, chọn cách giải quyết khác và thử lại. Tiếp tục thử những cách giải quyết cho đến khi đạt được mục tiêu.

Ở trường (cho giáo viên và phụ huynh)

Kết cấu lại môi trường ở học đường

1.  Thay đổi chỗ ngồi của trẻ trong lớp (ngồi gần giáo viên hơn và xa chỗ có nhiều hoạt động, tiếng ồn, xe cộ, cửa, cửa sổ, và xa một số bạn trong lớp). Thử và tìm kiếm chỗ ít chia trí nhất trong lớp.

2.  Nếu được, thay đổi phòng lớp (có kết cấu hơn/đặc biệt, ít tiếng ồn, ít chỗ trống, phòng nhỏ hơn).

3.  Nếu được, đổi trường (ít học trò hơn, tỷ lệ tốt hơn giữa số giáo viên và số học sinh, lớp đặc biệt cho trẻ tăng động thiếu tập trung và trẻ học khó, lớp có máy vi tính).

4.  Yêu cầu giáo viên chỉnh lại cách dạy để đáp ứng nhu cầu của học trò. Yêu cầu giáo viên có thêm kết cấu và phản hồi thường xuyên với trẻ. Trẻ cần biết điều gì sẽ xảy ra và nhiệm vụ phải được giới thiệu rõ ràng bằng chuỗi hành vi, và chỉ đưa ra mỗi lần một mệnh lệnh. Những giáo viên tốt nhất là những người tích cực, kiên định, và biết định nghĩa rõ ràng những hành vi mong muốn.

5.  Tìm kiếm góc học tập thích hợp nhất ở nhà. Chỗ nào ít chia trí nhất và có thể có sự kiểm soát phụ huynh thường xuyên khi làm bài.

Làm lại kết cấu của nhiệm vụ ở trường

1.  Treo bảng luật lệ, gồm những hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận trong lớp.

2.  Mỗi lần chỉ nói một nhiệm vụ hay một mệnh lệnh. Đưa ra những hướng dẫn, lựa chọn, và chương trình đơn giản.

3.  Chia nhiệm vụ thành những phần nhỏ. Ðiều này rất quan trọng để tránh trẻ phản ứng ‘Con sẽ không thể nào làm được việc đó’. Nếu bài toán dài 2 trang, mỗi lúc chỉ cho một trang, hoặc chia ra nhiều phần nhỏ. Thêm vào đó, giáo viên có thể thay đổi bài vở với những bài dễ hơn hoặc cho trẻ nghỉ giữa chừng nhiều lần với những bài khó hơn. Ở nhà, trước khi bắt đầu làm bài, giúp học trò chia mỗi bài ra nhiều phần nhỏ có thể làm được. Dùng đồng hồ kêu cho toán đố và bài đọc, dần dần kéo dài thời gian khi trẻ tập trung được. Ðối với bài vở, có chất lượng tốt hơn số lượng. Nhiều lúc trẻ tăng động thiếu tập trung cần được giảm số lượng bài vở ở nhà và ở trường.

4.  Tăng sự tập trung đối với những hướng dẫn bằng cách yêu cầu trẻ nhìn vào mắt bạn và lập lại những hướng dẫn của bạn. Viết xuống những hướng dẫn và cho học trò khoanh tròn hay gạch dưới những chữ quan trọng hoặc lập lại bằng lời nói với bạn học. Khi làm toán, học trò có thể khoanh tròn số đang làm và đánh dấu những số hay câu đã làm xong. Sau khi làm xong một trang, có thể ký tên tắt trên trang sau khi đã coi lại những điều sai hoặc đánh dấu mỗi câu toán đã coi lại lần thứ hai rồi.

     Dùng sườn bài, dạy cách làm sườn bài, và dạy cách gạch dưới. Mặc dù áp dụng kỹ năng này không phải là dễ, sau khi học và dùng được, những kỹ năng này giúp rất nhiều vì chúng kết cấu và tạo hình dạng những gì đang học. Việc này sẽ giúp trẻ cảm thấy thành thạo trong quá trình học hỏi, khi cần dùng đến những kỹ năng này.

5.  Bớt lại số lượng chép bài và viết bài nếu chép bài từ bảng. Viết nguyên câu và viết trên chỗ hẹp là việc khó đối với các em. Nếu có thể làm được, cho trẻ trình bày bằng lời hoặc viết mà không cần phải theo nguyên văn.

6.  Cho học trò dùng những cách thay thế để trình bày kiến thức.

7.  Dùng máy vi tính bất cứ lúc nào có thể để viết, ôn bài, và thực tập.

8.  Nên có chưong trình nhất định và dễ đoán trước cho trẻ. Treo chương trình trên bảng hay trên bàn học của trẻ.

9.  Giáo viên cần quan sát sự làm việc quá tải đối với các em này. Nếu giáo viên thấy trẻ sắp sửa bị quá tải, chỉnh lại ngay để giảm dần sự quá tải. Cách tốt nhất để quản lý sự hỗn loạn là ngăn cản không cho xảy ra.

10. Dạy kỹ năng làm bài.

11. Hỏi trẻ những gì sẽ giúp cho các em học bài mới cách tốt nhất. Nhiều lúc, chính trẻ có thể cho bạn biết. Nên ngồi xuống với trẻ và hỏi.

12. Khuyến khích trẻ đọc lớn tiếng ở nhà và ở trong lớp. Ðiều này sẽ giúp trẻ giữ sự tập trung vào bài.

Một lần nữa, ở trường hay ở nhà, trẻ tăng động thiếu tập trung cần sự kết cấu. Trẻ cần môi trường có kết cấu ở bên ngoài vì chúng thiếu sự kết cấu ở bên trong. Làm danh sách. Nhắc trẻ nhiều lần. Cho trẻ biết trước những gì sẽ xảy ra. Trẻ cần sự lập lại nhiều lần. Trẻ cần hướng dẫn. Trẻ cần những giới hạn. Kết cấu, kết cấu, kết cấu.

 

Gương mẫu tốt ở trường

1. Ðể trẻ ngồi bên cạnh bạn có gương mẫu tốt và thích hợp.

2. Khuyến khích trẻ có đôi bạn học tập để hiểu những mệnh lệnh và bài vở.

3. Làm dự án với đối tượng tổ chức.

Thay đổi thời gian làm bài học

1.  Sắp xếp chương trình lớp phù hợp với giờ tốt nhất trong ngày. Có những môn học dạy tốt hơn đối với trẻ ở giờ này hơn giờ khác trong ngày. Mộn học khó hay môn học trẻ không thích nên dạy khi trẻ tập trung nhất (khi thuốc uống có hiệu quả nhất, có thể môn học đầu ngày hay ngay sau khi ăn trưa).

2.  Thay đổi giờ làm bài /học bài. Thử giờ làm bài sau khi lớp kết thúc. Một số phụ huynh thấy giờ tốt nhất là ngay sau khi đi học về. Một số phụ huynh khác thấy trẻ cần nghỉ ngơi hoặc đi chơi sau khi đi học về. Một số phụ huynh khác nữa thấy trẻ làm tốt nhất khi công việc được chia ra nhiều phần nhỏ và tách ra với thời gian nghỉ ở giữa.

Chuẩn bị cho những hiệu quả khác nhau. Triệu chứng tăng động thiếu tập trung có thể thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Trẻ tăng động thiếu tập trung có thể có ‘ngày tốt’ khi trẻ làm nhiều hơn những trẻ khác, và ‘ngày xấu’ khi coi như trẻ không làm gì cả . Nên giữ bình tĩnh hết sức để có thể giúp trẻ qua những giai đoạn khó khăn. Khi trẻ có ngày xấu, cố tự nhắc đây chỉ là một trong những ngày xấu và sẽ không luôn luôn như vậy. Dùng kỹ năng quản lý sự căng thẳng trong những lúc này.

Tập thể dục thường xuyên có thể là một trị liệu thêm rất tốt đối với trẻ em (hay người lớn) mắc bệnh tăng động thiếu tập trung. Tập thể dục giúp giải phóng năng lượng, tập trung, và ích lợi trong việc phát triển thể chất cũng như sức khỏe. Nên làm những động tác thể dục vui để trẻ muốn làm.

Cuối cùng, giữ sự vui tính và tha thứ. Bạn và trẻ sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại và chắc chắn sẽ có những lúc rất bực bội và nhiều thử thách. Hãy chấp nhận cả điều tốt lẫn điều xấu. Tập trung vào mục tiêu dài hạn cho trẻ, cho bạn, và cho gia đình trẻ. Đừng lo lắng nhiều về những chuyện nhỏ.

Mục lục tham khảo:

Garber, S., Garber, M., & Spizman, R. (1996). Beyond Ritalin. New York, NY: HarperPerennial.

Handout = “Top Ten Rules for Parents and Teachers of Children with ADHD” (by Peter Jaksa, Ph.D.)

Handout = “50 Tips on the Classroom Management of Attention Deficit Disorder” (1992) by Edward hallowell, MD and John Rately, MD