Skip to content

Bệnh nhân thanh thiếu niên/ Adolescents

Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Giáo Dục Đặc Biệt
Khoá bồi dưỡng mùa hè cho các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các tỉnh phía Bắc

Bài 4 - Phần 3

Thời kỳ thanh thiếu niên của trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) 

Giảng viên: Nguyễn Ngọc Mai Hương

Cố vấn chuyên môn: Ths. Han Van Esch

Hà Nội, tháng 6 năm 2000 

Mục lục

Giới thiệu

1.Những thay đổi ở thanh thiếu niên bình thường

1.1 Về thể chất

1.2 Về xã hội- tình cảm

1.3 Về nhận thức

2 Những thay đổi ở thanh thiếu niên chậm phát triển trí tuệ

2.1 Về thể chất

2.2 Về Xã hội-tình cảm

2.3 Về nhận thức

3.Những gợi ý về sự hỗ trợ của giáo viên đối với thanh thiếu niên CPTTT

Mục đích

Ngoài việc chia xẻ kiến thức về những vấn đề thể trạng và tâm lý thường xảy ra với trẻ chậm phát triển trí tuệ, cần giành thời gian để giúp giáo viên hiểu được thái độ của họ đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ thời kỳ thanh thiếu niên.

Mục tiêu

Về kiến thức:

Giáo viên phải có kiến thức về những thay đổi ở thanh thiếu niên chậm phát triển trí tuệ.

Về kỹ năng :

Giáo viên cần biết một số kỹ năng cơ bản khi giáo dục thanh thiếu niên chậm phát triển trí tuệ.

Về thái độ:

Giáo viên cần thể hiện thái độ thông cảm, đồng hành với thanh thiếu niên chậm phát triển trí tuệ.

Thời kỳ thanh thiếu niên của trẻ chậm phát triển trí tuệ

Giới thiệu

Thời kỳ thanh thiếu niên là thời kỳ từ khoảng 12 tuổi cho đến 20 tuổi. Đây là thời kỳ xảy ra những thay đổi rất quan trọng: thể chất, nhận thức và xã hội-tình cảm. Tuổi thanh thiếu niên có thể là thời kỳ rất khó khăn, không chỉ đối với những trẻ bình thường mà cả cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.

1.Những thay đổi ở thanh thiếu niên bình thường

Một vài thay đổi mà thanh thiếu niên bình thường phải đối mặt:

1.1 Về thể chất

Giai đoạn đầu của tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ dậy thì, đứa trẻ chuyển từ một cá thể chưa trưởng thành về giới tính thành một người có khả năng sinh sản. Đối với nữ giới, dấu hiệu rõ ràng nhất của thay đổi này là kinh nguyệt. Với nam giới, sự thay đổi quan trọng thể hiện thời kỳ dậy thì là xuất tinh.

Ngoài ra, thanh thiếu niên còn trải qua một thời kỳ tăng trưởng rất nhanh, cơ thể phát triển vựơt mức bình thường và phát triển những đặc điểm giới tính:

Biến đổi ở cơ thể các em nữ: khung xương chậu phát triển theo chiều ngang. Tử cung, âm đạo, các bộ phận ngoài của cơ quan sinh dục phát triển, tăng cân nhanh, lớp da dưới mỡ dầy thêm tạo nên dáng mềm mại, mọc lông ở các bộ phận sinh dục, nách.

Biến đổi ở cơ thể các em nam: Cơ thể phát triển mạnh, đặc biệt là cơ quan sinh dục, thanh quản mở rộng, bắp thịt nở nang, mọc lông mu, lông nách, lông cơ thể (ngực, chân, tay) và ria mép.

Hầu hết thanh thiếu niên cũng trải qua những thay đổi dễ nhận thấy ở da và tuyến mồ hôi. Da trở nên dầy hơn và có dầu, trứng cá có thể xuất hiện.

1.2 Về xã hội-tình cảm

Tuổi dậy thì đưa dến cả những thay đổi thể chất nhìn thấy được ở bên ngoài và cả những thay đổi không nhìn thấy ở bên trong. Những thay đổi bên trong thanh thiếu niên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm và hành vi do sự tác động của các hóc-môn (ví dụ như sự ham muốn tình dục ngày càng tăng). Những thay đổi bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến tình cảm và hành động do tác động từ hình ảnh về cơ thể bản thân (thay đổi thể chất là một nguyên nhân trực tiếp đưa đến lo lắng cho thanh thiếu niên, chúng có cảm tưởng mọi người đều chú ý đến mình) và cả qua những phản ứng với người khác.

Một phần do những thay đổi về hình dáng bên ngoài, thanh thiếu niên bắt đầu nghĩ rằng mình không còn là trẻ con và những người khác cũng bắt đầu kỳ vọng rằng chúng sẽ có những hành vi chín chắn và có trách nhiệm hơn. Trọng tâm là sự độc lập ngày càng tăng và sự chuẩn bị cho những nghề nghiệp của người lớn hoặc học tập thêm.

Dậy thì cũng liên quan tới sự quan tâm ngày càng tăng với những người thuộc giới tính đối lập và sự thích thú ngày càng tăng đối với việc hò hẹn và hoạt động tình dục.

1.3 Về nhận thức:

Tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ mà những thanh thiếu niên bình thường thu nhận những kỹ năng nhận thức mới và quan trọng. Trong thời kỳ này, thanh thiếu niên trở nên trưởng thành hơn trong khả năng lập luận và giải quyết vấn đề. Theo Piaget, đây là giai đoạn thao tác chính thức cho phép thanh thiếu niên suy nghĩ một cách trừu tượng và có hệ thống hơn tất cả các giai đoạn trước đó.

Trẻ học trung học có thể dùng logic để lập luận về cá

c tình huống cụ thể nhưng chúng gặp khó khăn với những vấn đề dựa trên những tình huống giả thuyết.

Thanh thiếu niên không chỉ áp dụng tư duy logic vào các tình huống thực tế mà cả trong tình huống có thể xảy ra. Điều này có nghĩa là thanh niên có khả năng suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra tùy theo các trường hợp chúng hành động. Như thế, chúng đã có khả năng lập luận theo cách thử các giả thyuết và loại trừ các giả thuyết.

Với tất cả những thay đổi này, thanh thiếu niên trải qua giai đoạn chuyển từ tuổi thơ ấu sang thời kỳ người lớn. Chúng phải hình thành nên tư cách cá nhân (tôi là ai/ tôi không là ai?). Quá trình thiết lập tư cách cá nhân này liên quan tới việc lập quan hệ với những người khác và kinh nghiệm những khác biệt cũng như sự tương đồng. Hiểu về bản thân và hiểu về người khác đi song song với nhau, vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi những tiến bộ trong nhận thức về bản thân của thanh thiếu niên luôn đi kèm với tiến bộ trong hiểu biết về người khác. Thử nghiệm những khả năng và vai trò xã hội của chính mình chính là phương pháp để đạt được điều đó.

Những khả năng mới về thể hiện bản thân và xem xét những tình huống lựa chọn khác nhau làm cho thanh thiếu niên có thể khám phá bản thân ở hiện tại, liên hệ với hành vi trong quá khứ và định hướng bản thân trong tương lai với rất nhiều những vai trò khác nhau để lựa chọn.

Quá trình hình thành nên tư cách thường bao gồm: chọn lựa và chuẩn bị cho một nghề; đánh giá lại những niềm tin tôn giáo và đạo đức; xây dựng một lý tưởng chính trị và đảm nhiệm những vai trò xã hội, bao gồm cả những gì liên quan tới tình dục, hôn nhân và làm cha mẹ.

Quan điểm về chủ quyền bản thân trong quan hệ với một thế giới rộng lớn hơn bao gồm cả việc đảm nhiệm thêm những trách nhiệm cá nhân.

Về môi trường xã hội, gia đình, nhà trường và đặc biệt là những nhóm bạn cùng độ tuổi đóng một vai trò hết sức quan trọng(bàn chuyện chính trị, niềm tin,xã hội, tình dục..)

Thanh thiếu niên thường khác nhau ở độ gắn kết với gia đình hoặc gắn kết với bạn bè. Vì thế, ảnh hưởng của gia đình và của bạn bè lên thanh thiếu niên cũng khác nhau.

Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng quan hệ với bạn bè đạt đến một cấp độ thân mật và thân mật và gắn bó mới. Trong khi những thiếu niên thường trở nên độc lập hơn trong quan hệ với cha mẹ thì chúng lại trở nên phụ thuộc hơn vào bạn bè. Quan hệ với bạn bè ngày càng trở nên sâu sắc ban đầu là với bạn cùng giới và sau đó là với bạn khác giới. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào bạn bè có thể giúp chúng hình thành một quan hệ trưởng thành hơn với cha mẹ. Nó cũng giúp cho quá trình chia tách khỏi cha mẹ và trong việc chuyển lên hoà nhập vào xã hội người lớn.

Bất chấp tầm quan trọng ngày càng tăng của bạn bè trong cuộc sống của thanh thiếu niên, gia đình vẫn là một môi trường chủ chốt cho sự phát triển của trẻ qua thời kỳ thanh thiếu niên. Cha mẹ của thanh thiếu niên phải phản hồi lại những cách tư duy mới của trẻ cũng như việc đòi quyền tự chủ, quyền thể hiện mình và ảnh hưởng. Đối với thanh thiếu niên, một điều rất quan trọng là chúng phải được tranh luận về những kinh nghiệm của chúng với cha mẹ.

Tại trường, thanh thiếu niên sẽ được giao nhiều trách nhiệm hơn.

Những thay đổi ở thanh thiếu niên chậm phát triển trí tuệ

ở một chừng mực nào đó, trẻ CPTTT trải qua những thay đổi trong thời kỳ thanh thiếu niên giống như trẻ bình thường nhưng trong những khía cạnh khác của quá trình phát triển, chúng có thể khác biệt khá nhiều.

2.1 Về thể chất

Nhìn chung thanh thiếu niên CPTTT cũng trải qua những thay đổi thể chất giống trẻ bình thường (phụ thuộc vào mức độ trí tuệ của chúng) nhưng chúng có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hiểu về những gì đang diễn ra.

2.2 Về Xã hội-tình cảm

Do ảnh hưởng của các hóc-môn nên tình cảm và hành vi của trẻ cũng thay đổi. Một vài thanh thiếu niên CPTTT có thể rất khó điều khiển cảm giác tình dục của mình như cởi bỏ quần áo, thủ dâm, bị quyễn rũ quá mức, cởi quần áo của người khác, có quan hệ tình dục ở những nơi công cộng.

Đồng thời, trẻ CPTTT có thể thấy bất ổn với những thay đổi thể chất bên ngoài.

Ngoài ra, mọi người trong môi trường xung quanh có thể kỳ vọng vào những hành vi trưởng thành hơn của trẻ trong khi trẻ lại không có khả năng đáp ứng điều này về mặt tình cảm.

2.3 Về Nhận thức

TrẻCPTTT đạt đến những mức độ khác nhau của chức năng nhận thức. Dẫu vậy, ở mức tối đa, chúng sẽ đạt đến giai đoạn tao tác cụ thể theo lý thuyết của Piaget. Việc mất khả năng tư duy trừu tượng đã hạn chế khả năng suy luận những hậu quả có thể có từ hành động của mình hoặc khả năng giải quyết vấn đề theo cách loại trừ giả thuyết.

Đồng thời thành thiếu niên CPTTT cũng đang ở thời kỳ chuyển từ tuổi ấu thơ thành người lớn. Tuy nhiên không may là chúng được trang bị ít hơn và có ít khả năng để thử nghiệm hơn. Chúng thường khó thể hiện mình và khó khăn khi nghĩ đến người khác, khó xem xét và thử nghiệm những vai trò khác nhau, khó hình thành được tư cách cá nhân.

Đặc biệt, thanh thiếu niên CPTTT trung bình và nhẹ có thể có nhận biết về bản thân mà không đúng với thực tế hoặc không đúng theo cách những người khác đánh giá về chúng. Chúng có thể có những kỳ vọng không thực tếvào tương lai (ví dụ như thành người lái taxi, sống hoàn toàn độc lập, lập gia đình và trở thành cha/mẹ).

Khi những kỳ vọng của trẻ bị thử thách, trẻ có thể cáu giận và chán nản. Bằng cách "thử thách hiện thực", chúng sẽ tự kinh nghiệm về những hạn chế của mình.

Quan hệ với bạn bè nói chung không thân mật như ở trẻ bình thường. Nhóm bạn có ảnh hưởng ít hơn và mang lại ít hỗ trợ hơn trong quá trình trẻ tách rời khỏi cha mẹ so với trường hợp của trẻ bình thường.

Gia đình vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Cha mẹ mang lại những hỗ trợ xã hội-tình cảm ví dụ như chia sẻ những thất vọng của trẻ khi trẻ kinh nghiệm về những hạn chế của mình và chỉ ra cho trẻ những viễn cảnh thực tế hơn.

Mặc dù cha mẹ thường có xu hướng tự nhiên là bảo vệ những đứa con dễ bị tổn thương của mình nhưng họ cũng nên cho trẻ có cơ hội tự mình thử nghiệm, tìm kiếm và trở nên độc lập hơn.

Nhà trường cũng có một vai trò quan trọng trong hỗ trợ trẻ CPTTT trên con đường đi tới sự tự quyết, độc lập và chủ quyền của trẻ.

3.Những gợi ý về sự hỗ trợ của giáo viên đối với thanh thiếu niên CPTTT

•  Giúp trẻ hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh: rửa mặt sạch sẽ hằng ngày, không nặn, cạy mụn, gây nhiễm trùng; rửa cơ quan sinh dục hằng ngày, mặc đồ lót. Dạy cho trẻ nữ cách dùng băng vệ sinh.

•  Giáo dục giới tính, uốn nắn các hành vi lệch lạc.

•  Giúp trẻ khám phá thực tại, giới hạn của mình, chia sẻ với trẻ những khó khăn, những thất vọng của bản thân và những ước vọng về tình cảm...

•  Làm kế hoạch chuyển đổi, bước đầu giúp huấn luyện nghề đơn giản tạo điều kiện cho trẻ có khả năng sống độc lâp hết sức có thể.