Chuẩn bị cho ngôn ngữ/ Preparing for language

Thuyết Trình Ngắn 2

Chuẩn bị cho ngôn ngữ:

Các yếu tố quan trọng cho ngôn ngữ; Các giai đoạn vận dụng đồ vật; Phương pháp củng cố các kỹ năng không lời – bắt chước, tập trung trong ‘tam giác giao tiếp’, luân phiên.

Mời quý vị xem bài thuyết trình 2https://it.umn.edu/services-technologies/resources/umconnect-retired-june-30-2021

Preparing for language:

Important factors related to language. Stages of object manipulation. Ways to reinforce pre-language skills – imitation, joint attention, turn taking. To view, click on website above.

Nội dung bài thuyết trình:

Quý vị có thể vừa nghe và vừa tham khảo nội dung ở dưới:

Chuẩn bị cho ngôn ngữ

1. Trước khi tập nói, trẻ em cần phát triển những kỹ năng không lời còn được gọi là kỹ năng tiền nói. Bài này tôi sẽ nói thêm về những kỹ năng chuẩn bị cho ngôn ngữ. Bài thuyết trình 1 đã định nghĩa kỹ năng không lời và đưa ra ví dụ. Để tóm tắt lại bài 1, những kỹ năng không lời bao gồm vận dụng đồ vật, khả năng bắt chước, kỹ năng nhìn vào đồ vật người khác chỉ, chỉ vào đồ vật để làm người khác chú ý, và kỹ năng luân phiên. Dựa trên bài 1, cha mẹ có thể xác định con mình có những kỹ năng nào và thiếu những kỹ năng nào. Trong bài 2 này tôi sẽ nói về một số phương pháp khuyến khích các kỹ năng không lời. Tuy bài này nói về mỗi kỹ năng không lời, quý vị không cần tập những kỹ năng trẻ đã có rồi, chỉ cần tập trung vào việc xây dựng những gì trẻ chưa làm được. (Bài 5 sẽ nói về cách giúp trẻ luân phiên. Có thể luân phiên ‘không lời’ hoặc luân phiên với lời nói. Xin quý vị xem bài 5 để biết thêm về khả năng luân phiên.)

2. Như tôi đã nói trong bài 1, một yếu tố quan trọng cho ngôn ngữ là khả năng khám phá môi trường. Để khám phá môi trường trẻ cần phải biết cách vận dụng đồ vật. Bước ban đầu là biết đồ vật vẫn còn tồn tại tuy không còn thấy nữa. Để xác định trẻ có kỹ năng này hay không, cha mẹ có thể đặt đồ chơi trước mặt trẻ và khi trẻ đang chú ý đến đồ chơi đó, cha mẹ trải miếng vải trên đồ chơi và đợi. Nếu trẻ ý thức rằng đồ chơi vẫn còn ở đó, trẻ sẽ có phản ứng như lấy ra miếng vải để tìm lại đồ chơi. Xin quý vị xem hai phim ngắn về kỹ năng này.*

3a. Bước kế tiếp của kỹ năng vận dụng đồ vật là trẻ chơi với tất cả đồ vật một cách giống nhau. Ví dụ thay vì cho xe chạy hoặc dùng bút tô màu để vẽ hình, trẻ bỏ chiếc xe nhỏ và bút tô màu vào miệng. Trong phát triển trẻ em bình thường, giai đoạn hài nhi có đặc tính khám phá đồ vật qua miệng. Hài nhi cần qua giai đoạn này để phát triển cảm giác trong miệng, đó là một việc rất cần thiết cho việc phát âm sau này.

b. Nhưng nếu trẻ lớn tuổi hơn vẫn còn không biết cách chơi với đồ vật và cho hết vào miệng, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển bước kế tiếp, đó là chơi với đồ vật theo hình dáng/chức năng. Cha mẹ có thể làm mẫu chơi với đồ chơi một cách thích hợp, ví dụ như đẩy cho xe chạy, chải tóc cho búp bê, và ném banh.  Bước này quan trọng để giúp trẻ bắt đầu khám phá đồ vật một cách thích hợp hơn. Xin quý vị xem phim ngắn này để theo dõi trẻ biết liên kết nguyên do với kết quả. Trong phim, trẻ biết phải bấm nút để kéo ra tủ.*

4. Sau khi trẻ biết chơi với từng đồ chơi một, trẻ cần chơi với hai đồ vật cùng một lúc như quậy muỗng trong ly, cho búp bê bú bình sữa v.v. Kế tiếp trẻ sẽ chơi theo trình tự, nghĩa là chơi có bước 1, 2, 3, như là 1) cho búp bê bú, 2) lau miệng cho búp bê, và 3) đặt búp bê trên giường ngủ. Xin quý vị xem phim ngắn này để theo dõi trẻ chơi theo trình tự. Trẻ sẽ 1) cho đồ ăn vào xoong, 2) cho xoong vào lò, và 3) bấm nút để bắt đầu nấu. Cha mẹ có thể làm mẫu chơi theo trình tự với trẻ như vậy. *

5. Kỹ năng không lời kế tiếp, trẻ cần phải có khả năng bắt chước. Đôi lúc việc phối hợp hành động tay chân dễ hơn phối hợp miệng lưỡi. Đối với trẻ chưa biết bắt chước, cha mẹ có thể tập khả năng bắt chước qua những hành động tay chân trước, như nhảy lên nhảy xuống hoặc vỗ tay. Sau khi trẻ thích bắt chước hành động lớn, cha mẹ có thể giúp trẻ bắt chước hành động miệng như lè lưỡi ra, đưa đầu lưỡi lên, cười, phồng hai má ra, v.v. Đây là một cách tập phối hợp bắp cơ miệng để sau này tập nói. Đồng thời cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tập bắt chước tiếng nói đơn giản như là “a a, ba ba”. Một cách giúp trẻ bắt chước là cha mẹ bắt chước trẻ trước. Nếu trẻ nói a a, thì cha mẹ nói theo a a. Nếu trẻ lên xuống giọng nói, cha mẹ lặp lại y chang như vậy. Có thể soi gương cùng với trẻ để giúp trẻ chú ý và thích thú bắt chước. Xin quý vị xem phim ngắn này để theo dõi hai mẹ con soi gương bắt chước nhau. *

6. Hai kỹ năng không lời cuối cùng là nhìn vào đồ vật mà người khác đang chỉ và chỉ vào đồ vật để làm người khác chú ý. Những trẻ hiểu được ý nghĩ của người khác sẽ giao tiếp dễ dàng hơn. Nói một cách khác, nên tạo ra “tam giác giao tiếp”: một đầu tam giác là người nói, đầu thứ hai là trẻ và đầu thứ ba là đồ vật – trẻ cùng với người nói tập trung vào đồ vật. Nhà nghiên cứu cho biết những “tam giác giao tiếp” là những lúc tốt nhất cho trẻ học ngôn ngữ, tiếng anh gọi kỹ năng này là “joint attention”. Khi giao tiếp với trẻ, nên tạo ra nhiều cơ hội có “tam giác giao tiếp,” nghĩa là cha mẹ và con tập trung vào một việc chung với nhau. Những lúc tập trung với nhau như vậy không cần lâu, đôi lúc chỉ là 1-2 phút. Nhưng càng nhiều lần như vậy, trẻ càng tiếp thu được nhiều hơn.

7. Tóm tắt lại, bài 2 này nhằm xây dựng những kỹ năng tiền nói, cũng gọi là kỹ năng không lời. Những kỹ năng này là nền tảng cho ngôn ngữ và giúp trẻ chuẩn bị chú ý và học theo ngôn ngữ của người khác. Trong bài thứ 3 kế tiếp, tôi sẽ nói về phương pháp làm mẫu ngôn ngữ tốt cho trẻ.

Scroll to Top