Gương mẫu ngôn ngữ/ Modeling Language

Thuyết Trình Ngắn 3

Gương mẫu ngôn ngữ:

Nói ở mức độ của trẻ; Dịch ý của trẻ; Liên kết tên với đồ vật; Nhấn mạnh từ mới; Lặp lại từ mới trong hoàn cảnh khác nhau.

Mời quý vị xem bài thuyết trình 3: https://it.umn.edu/services-technologies/resources/umconnect-retired-june-30-2021

How to model language:

Talking at your child’s level. Interpreting your child’s intentions. Connecting labels with objects. Emphasizing new words. Use new words in different contexts. To view, click on website above.

Nội dung bài thuyết trình:

Quý vị có thể vừa nghe và vừa tham khảo nội dung ở dưới:

Gương mẫu ngôn ngữ

Bài 2 vừa rồi nói về cách khuyến khích kỹ năng không lời để tạo nền tảng vững chắc cho việc học ngôn ngữ. Bài 3 này nói về cách nói chuyện với trẻ để giúp trẻ tiếp thu được nhiều hơn. Ngôn ngữ của cha mẹ là gương mẫu cho ngôn ngữ của trẻ. Trong bài này, tôi sẽ nói về các phương pháp làm mẫu ngôn ngữ.

Bài 2 đã giới thiệu “tam giác giao tiếp.” Trong tam giác này, một đầu là trẻ, đầu thứ hai là người nói như cha mẹ và đầu thứ ba là đồ vật. Trẻ và người nói cùng nhau tập trung vào đồ vật. Tùy theo tuổi và khả năng của trẻ, thời giờ trẻ tham gia vào những “tam giác giao tiếp” có thể rất ngắn như 15 giây hay dài hơn như 2-3 phút. Thời giờ tham gia không thành vấn đề. Điều quan trọng là bao nhiêu lần có cơ hội tham gia. Càng nhiều lần tham gia, càng nhiều cơ hội cho trẻ tiếp thu được ngôn ngữ.

Trong khi tham gia vào những tam giác giao tiếp, cha mẹ nên nói ở mức độ của trẻ. Nếu trẻ chưa biết nói nhưng kêu tiếng a, a, cha mẹ nên bắt chước và nói a a. Nếu trẻ nói qua cử chỉ, cha mẹ nên bắt chước cử chỉ và nói thêm 1-2 từ. Ví dụ, khi trẻ thấy và chỉ đến con chó đang chạy ở ngoài đường, cha mẹ cũng chỉ đến con chó và nói “con chó!”. Nếu trẻ nói được một từ, cha mẹ nên đáp lại 1-3 từ. Ví dụ, trẻ chỉ đến con chó và nói “chó!” cha mẹ có thể nói theo: “Chó dễ thương”. Nếu trẻ nói được câu ngắn, cha mẹ nên trả lời bằng 1-2 câu ngắn, như trẻ chỉ đến con chó và nói “Con chó kìa!”, cha mẹ đáp: “Ô, con chó chạy nhanh quá!” Đôi lúc cha mẹ sẽ cảm thấy bị giới hạn khi tập nói ở mức độ của trẻ, nhất là với trẻ ít nói hoặc trẻ chưa biết nói. Nhưng với mục đích làm mẫu ngôn ngữ, việc nói ở mức độ của trẻ sẽ giúp trẻ tiếp thu được ngôn ngữ dễ hơn và cảm thấy tự tin hơn khi tham gia vào cuộc giao tiếp.

Đôi lúc trẻ không đủ ngôn ngữ để tự nói ra ý của mình. Có thể trẻ cảm thấy chán nản trong những lúc khó nói ra sở thích và suy nghĩ. Để giúp cho trẻ giảm sự căng thẳng, cha mẹ nên dịch ý của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ bị té và khóc, cha mẹ có thể nói “Ô, đau quá hả con. Con khóc vì chân đau. Đau quá!” Hay nếu trẻ kéo tay cha mẹ để mở hộp xin ăn bánh ở trên bàn, cha mẹ có thể nói dùm “Con thích ăn bánh hả? Ăn bánh nhé.” Để dịch ý của trẻ, nên nói về những gì trẻ thấy, nghe, ngửi, nếm, và sờ để giúp trẻ hiểu những việc xung quanh.

Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ nên nhớ “trăm nghe không bằng một thấy”. Để giúp trẻ học thêm từ vựng, cha mẹ nên liên kết tên đồ vật với chính đồ vật ấy. Có thể đặt tên đồ vật trong những sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ, khi đọc sách với trẻ, cha mẹ có thể cùng với trẻ chỉ đến hình ảnh và nói tên của đồ vật cho trẻ nghe. Cha mẹ có thể cho trẻ giúp sắp bàn ăn, và nói tên của đồ vật khi đưa cho trẻ, như đũa, chén, bát, muỗng, v.v. Khi xem phim với trẻ, cha mẹ có thể nói tên của hành động trẻ đang xem như chạy, ăn, và ngủ. Nói tên của đồ vật và hành động khi đồ vật ấy ngay trước mặt trẻ là một cách giúp trẻ học thêm từ vựng và hiểu những chuyện xẩy ra xung quanh.

Một cách nữa để làm mẫu ngôn ngữ là nhấn mạnh từ mới. Cha mẹ có thể nhấn mạnh những từ mới để giúp trẻ quen và dễ thuộc hơn. Ví dụ, khi trẻ giúp sắp bàn, cha mẹ đưa đũa và nói “Cầm đũa cho mẹ. Đũa dài. Mỗi người một đôi đũa, nhé.”

Cách làm mẫu cuối cùng là lặp lại những từ mới nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, trẻ chưa nói được chữ ‘mở’ cha mẹ có thể làm mẫu: ‘mở nắp’ ‘mở cửa’ ‘mở hũ’ ‘mở hộp’. Nói một từ trong nhiều hoản cảnh khác nhau sẽ giúp trẻ nhớ và hiểu từ mới. Đôi lúc cha mẹ muốn trẻ lặp lại từ mới hoặc trả lời câu hỏi “cái gì”. Nhưng nếu bắt trẻ lặp lại nhiều lần hay đặt  quá nhiều câu hỏi mà trẻ không trả lời được, trẻ sẽ bị chán nản và căng thẳng. Để tránh chuyện này xẩy ra, xin quý vị nhớ hai điều quan trọng: cho trẻ đủ thì giờ đáp ứng và làm mẫu, làm mẫu, làm mẫu. Nếu cha mẹ đặt câu hỏi hoặc gợi lời cho trẻ, nên đợi cho trẻ đáp ứng. Thay vì lặp lại câu hỏi nhiều lần một lúc, nên nói một lần và tự đếm trong đầu 1, 2, 3, 4, 5 trước khi hỏi lại trẻ. Nếu trẻ chưa biết cách trả lời, thay vì lặp lại câu hỏi, cha mẹ nên làm mẫu và nói ra tên đồ vật cho trẻ nghe. Việc đợi trẻ đáp ứng và làm mẫu ngôn ngữ sẽ giúp trẻ tự tin tham gia vào cuộc giao tiếp.

Hãy nhớ cuộc giao tiếp càng vui thú, trẻ càng thích giao tiếp nhiều hơn!

Scroll to Top