Chọn mục tiêu ngôn ngữ/ Choosing Goals

Thuyết Trình Ngắn 6

Chọn mục tiêu ngôn ngữ:

Giúp trẻ tập thêm những kỹ năng hiện có; Giúp trẻ phát triển kỹ năng mới; Chọn từ vựng có ý nghĩa đối với trẻ.

Mời quý vị xem bài thuyết trình 6https://it.umn.edu/services-technologies/resources/umconnect-retired-june-30-2021

Selecting communication goals:

Practicing skills the child already has in new contexts. Practicing new skills. Selecting meaningful vocabulary for a child’s first words. To view, click on website above.

Nội dung bài thuyết trình:

Quý vị có thể vừa nghe và vừa tham khảo nội dung ở dưới:

Chọn mục tiêu ngôn ngữ

Bài vừa rồi nói về cách duy trì cuộc giao tiếp với trẻ. Bài 6 này kết thúc các bài thuyết trình nối tiếp dành cho gia đình có trẻ em chậm nói hay chưa biết nói. Trong bài này tôi sẽ nói về nguyên tắc chọn mục tiêu khi tập ngôn ngữ với trẻ.

Xin quý vị coi lại tờ tóm tắt  “Các giai đoạn giao tiếp” của bài 1 để xác định mức độ giao tiếp của trẻ. Phần đông trẻ em hiểu nhiều hơn có thể nói, thành thử giai đoạn nghe của trẻ có thể khác với giai đoạn diễn đạt.

Sau khi xác định trẻ hiện trong giai đoạn nào, có ba nguyên tắc chọn mục tiêu ngôn ngữ:

1)      Giúp trẻ tập thêm những kỹ năng hiện có

2)      Giúp trẻ phát triển kỹ năng mới

3)      Chọn từ vựng có ý nghĩa đối với trẻ

Giúp trẻ tập kỹ năng hiện có

Khi trẻ phát triển kỹ năng, trẻ cần cơ hội tập kỹ năng đó nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu trẻ mới biết bắt chước tiếng kêu, cử chỉ, hoặc ký hiệu của mẹ, trẻ có thể tiếp tục tập bắt chước với người khác như với ba, ông, chú, và chị. Nếu trẻ bắt chước ‘ạ’ để xin đồ vật, cha mẹ tập cho trẻ ‘ạ’ để chào mọi người khi về hoặc chào mọi người trước khi đi, nghĩa là tập ‘ạ’ nhiều lần và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong khi ôn lại kỹ năng hiện có, sẽ có lúc trẻ làm được và có lúc trẻ không làm được. Cha mẹ nên tiếp tục tập với trẻ để những kỹ năng của trẻ vững chắc hơn. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần. Nên cho trẻ nhiều cơ hội và hoàn cảnh tập. Mỗi lần ôn lại, trẻ sẽ cảm thấy thành công trong việc giao tiếp. Khi trẻ tự tin hơn trẻ có thể sẵn sàng thử kỹ năng mới.

Giúp trẻ phát triển kỹ năng mới

Dựa trên kỹ năng hiện hữu của trẻ, cha mẹ có thể tập những kỹ năng mới. Ví dụ, đối với trẻ mới biết kêu a a, cha mẹ tập cho trẻ vừa kêu a a, vừa làm cử chỉ như chỉ với ngón tay. Ví dụ, cha mẹ có thể tập cho trẻ bắt chước những từ trẻ hiểu được nhưng chưa nói được. Đối với trẻ nói một từ, tập cho trẻ nói hai từ. Đối với trẻ nói 2 từ, tập cho trẻ nói 3 từ. Cha mẹ áp dụng những phương pháp làm mẫu trong bài 3 để khuyến khích trẻ phát triển kỹ năng mới. Nên tập những kỹ năng mới trong những ‘tam giác giao tiếp’ và những sinh hoạt hằng ngày. Khi trẻ cảm thấy vui thú trẻ sẽ cố gắng bắt chước nhiều hơn. Không nên bắt trẻ lặp lại quá nhiều để tránh sự chán nản.

Chọn từ vựng có ý nghĩa đối với trẻ

Khi tập ngôn ngữ, nên chọn từ vựng trẻ cần để giao tiếp. Trẻ cần biết tên đồ vật cũng như hành động, cảm xúc, và lời lễ phép. Xin quý vị ngừng ở đây và mở “Danh Sách Từ Vựng”. Danh sách này không trọn vẹn, nhưng liệt kê những lĩnh vực quan trọng như đồ ăn, bộ phận cơ thể, lời lễ phép, v.v. Xin quý vị in ra danh sách này và đánh dấu những từ trẻ hiểu được nhưng chưa nói được và những từ trẻ vừa hiểu vừa nói được. Mục đích của danh sách là giúp cha mẹ nhận ra những từ trẻ biết để chọn mục tiêu ngôn ngữ.

Theo nguyên tắc thứ nhất, giúp trẻ tập kỹ năng hiện có, cha mẹ có thể chọn những từ trẻ hiểu và nói được để tập nói nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và với nhiều người khác nhau. Theo nguyên tắc thứ hai, giúp trẻ phát triển kỹ năng mới, cha mẹ chọn những từ trẻ hiểu nhưng chưa nói được.

Đây là một ví dụ cụ thể:

Mỗi lần Nam thích ăn bánh, Nam lấy tay bố và chỉ đến hộp bánh ở trển bàn. Bố nói ra ý Nam: “Con thích ăn bánh hả”. Bố cầm lấy hai tay của Nam, giúp Nam khoanh tay lại và bố nói ‘ạ’ để làm mẫu cho Nam xin bánh. Ngay sau đó, bố cho Nam một miếng bánh nhỏ. Khi Nam ăn bánh xong, Nam lấy tay bố chỉ đến hộp bánh muốn ăn nữa. Một lần nữa, bố giúp Nam khoanh tay lại, bố làm mẫu nói ‘ạ’, và cho Nam thêm miếng nhỏ. Bố giúp Nam lặp lại cử chỉ này nhiều lần. Sau nhiều lần tập như vậy, khi Nam cầm lấy tay bố muốn ăn nữa, bố nhìn Nam và đợi. Bố đợi xem Nam có tự khoanh tay lại ‘ạ’ không. Bố tự đếm trong đầu 1, 2, 3, 4, 5 để cho Nam thời giờ đáp ứng. Nếu Nam chưa tự làm, bố giúp Nam khoanh tay lại, làm mẫu ‘ạ’ và cho Nam thêm miếng nhỏ. Nếu Nam chủ động yêu cầu, tuy chưa hoàn toàn đúng, bố sẽ thưởng nhiều hơn. Ví dụ Nam tự khoanh tay lại nhìn bố, bố vui vẻ nói “Con ‘ạ’ giỏi quá” và cho Nam miếng lớn hơn.

Bài này kết thúc 6 bài thuyết trình nối tiếp nhằm giúp cha mẹ phát triển khả năng giao tiếp của trẻ chậm nói. Trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hãy nhớ:

–          Nên chọn mục tiêu thực tế. Đối với trẻ chưa biết nói, chọn mục tiêu tập nói 2-3 từ là không thực tế. Nên chọn những mục tiêu trong vòng tầm tay trẻ để trẻ thành công trong việc giao tiếp.

–          Tập ngôn ngữ khi cha mẹ và trẻ đều vui. Sự giao tiếp nên luôn luôn vui vẻ để lôi cuốn trẻ tập luyện. Nếu trẻ thấy giao tiếp có nhiều ích lợi như chia sẻ với cha mẹ, diễn đạt nhu cầu và sở thích, trẻ sẽ thích tiếp tục tập ngôn ngữ.

–          Không nên so sánh sự phát triển của trẻ em này với trẻ em khác. Để biết trẻ phát triển thế nào, nên nhìn vào quá trình phát triển riêng biệt của trẻ. Nên so sánh khả năng hiện có của trẻ với 6 tháng trước hay năm trước để biết trẻ đã tiến bộ thế nào. Như vậy, cha mẹ sẽ thấy rõ sự tiến bộ của trẻ so với thời gian trước.

–          Nên kiên nhẫn. Nhiều lúc sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không phải liên tục và đều. Sẽ có lúc trẻ phát triển rất nhanh và có lúc tạm dừng phát triển. Quan trọng nhất là kiên nhẫn với trẻ và kiên nhẫn với chính mình. Từng bước một – trẻ sẽ phát triển trong tình thương và hạnh phúc của gia đình.

Scroll to Top