Skip to content

Vấn đề thể chất/ Physical Issues

Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Giáo Dục Đặc Biệt
Khoá bồi dưỡng mùa hè cho các giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các tỉnh phía Bắc

Bài 2

Những vấn đề thể chất thường gặp ở trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) 

Giảng viên: Nguyễn Ngọc Mai Hương

Cố vấn chuyên môn: Bác sĩ Pieter De Jong và Fred Van De Loo

Hà Nội, tháng 6 năm 2000

Mục lục

Giới thiệu

1. Khiếm thính

1.1Các mức độ khiếm thính

1.2 Các dạng khiếm thính

1.3 Phát hiện và điều trị khiếm thính

1.4 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh khiếm thính trong lớp

2. Khiếm thị

2.1 Thị lực và Thị trường

2.2 Các nguyên nhân gây khiếm thị

2.3 Phát hiện và điều trị khiếm thị

2.4 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh khiếm thị trong lớp

3. Động kinh

3.1 Cơn động kinh

3.2 Tỉ lệ và các dạng động kinh

3.3 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh động kinh trong lớp

4. Bại não

4.1 Bại não

4.2 Những tác động của bại não

4.3 Những dạng khác nhau của bại não

4.4 Các vấn đề khác liên quan tới bại não

4.5 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh bại não trong lớp

Mục đích

Ngoài việc chia xẻ kiến thức về những vấn đề thể trạng và tâm lý thường xảy ra với trẻ chậm phát triển trí tuệ, cần dành thời gian để giúp giáo viên hiểu được thái độ của họ đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ

Mục tiêu

Về kiến thức:

Giáo viên phải có kiến thức về các dạng khuyết tật khác, thường xảy ra đồng thời với chậm phát triển trí tuệ

Về kỹ năng :

Giáo viên cần biết một số kỹ năng cơ bản khi giáo dục trẻ có các khuyết tật khác đi kèm với chậm phát triển trí tuệ

Về thái độ:

Giáo viên cần thể hiện thái độ chấp nhận của họ đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ

 

Giới thiệu

Khi dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT), chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề thể chất có thể đi kèm với sự chậm phát triển trí tuệ của trẻ. Những vấn đề thể chất thường gặp ở trẻ CPTTT là:

•  Khiếm thính

•  Khiếm thị

•  Động kinh

•  Bại não

Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của đứa trẻ và do đó làm cho giáo viên rất nản chí. Khi những vấn đề thể chất này không được phát hiện, giáo viên có thể hiểu sai hành vi của trẻ và điều này sẽ ảnh hưởng đến những kỳ vọng của giáo viên đối với trẻ hoặc tới nỗ lực giảng dạy của giáo viên.

1. Khiếm thính

Trẻ khiếm thính là những trẻ khó nghe hoặc điếc. Khiếm thính có thể do nhiều nguyên nhân xảy ra trước khi sinh, trong khi sinh hoặc sau khi sinh. Do những nguyên nhân gây khiếm thính bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây ra các tổn thương não nên tỷ lệ khiếm thính trong trẻ CPTTT cao hơn tỷ lệ khiếm thính trong tổng dân số.

1.1 Các mức độ khiếm thính

Có nhiều mức độ khiếm thính khác nhau. Khiếm thính nhẹ có nghĩa là đứa trẻ chỉ có vấn đề với việc hiểu ngôn ngữ nói trong những trường hợp nhất định. Khiếm thính trung bình nghĩa là đứa trẻ sẽ có khó khăn hơn trong việc hiểu ngôn ngữ nói, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh. Khiếm thính nặng có nghĩa là nếu không có dụng cụ trợ thính, đứa trẻ không có khả năng hiểu ngôn ngữ nói. Khiếm thính rất nặng thường được gọi là điếc, nghĩa là khi có dụng cụ trợ thính thì trẻ có thể phần nào hiểu lời nói. Cuối cùng là mức độ điếc , nghĩa là khiếm thính lên đến mức độ cao mà ngay cả dụng cụ trợ thính cũng không trợ giúp được cho trẻ.

1.2 Các dạng khiếm thính

Có hai dạng khiếm thính:

1.2.1 . Khiếm thính dẫn truyền :

Có sự cản trở việc truyền dẫn các xung động âm thanh trong tai ngoài hoặc tai giữa. Dạng khiếm thính này thường tạm thời khi có ráy tai ở ống nghe hoặc viêm tai giữa. Nếu ai đó bị viêm tai giữa thường xuyên (trở thành bệnh kinh niên) thì khả năng truyền các xung động âm thanh của các sụn tai trong tai giữa có thể bị tổn thương. Thủng màng nhĩ cũng gây ra khiếm thính dẫn truyền.

1.2.2 . Khiếm thính tiếp nhận :

Có tổn thất trong quá trình các xung thần kinh được dẫn tới vỏ não. Với người già, còn có tình trạng khiếm thính tiếp nhận tăng tiến, đặc biệt là với những âm thanh có tần số cao.

1.3 Phát hiện và điều trị khiếm thính

Sự khiếm thính ở trẻ không phải lúc nào cũng được phát hiện kịp thời, đặc biệt là trong trường hợp trẻ CPTTT. Nghiên cứu cho thấy rằng trong 60% trường hợp khiếm thính ở người CPTTT, y tá hoặc giáo viên không nhận ra điều này cho đến khi có sàng lọc, kiểm tra của bên y tế. Nguyên nhân của tình trạng này là: khoảng 75% người CPTTT không thể tự biểu hiện rằng mình bị khiếm thính.

Phát hiện và điều trị khiếm thính có một ý nghĩa quan trọng không chỉ với việc phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng lời nói mà còn đối với sự phát triển xã hội, nhận thức và tình cảm của trẻ. Trong giáo dục, đứa trẻ sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu trẻ không nhận được thông tin bằng đường thính giác, đặc biệt là khi trẻ đã thiếu các phương tiện giao tiếp khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ khiếm thính thường có một số biểu hiện như sau:

•  Đứa trẻ chỉ “nghe” một người mà không nghe những người khác

•  Đứa trẻ có vẻ chỉ nghe những gì mình thích nghe

•  Đứa trẻ tách mình khỏi các tình huống xã hội

•  Đứa trẻ phản ứng chậm hơn lúc trước

•  Đứa trẻ dường như chỉ nghe sau khi được nhắc lại 2, 3 lần

•  Đứa trẻ sợ bị tiếp cận từ phía sau

•  Đứa trẻ tìm kiếm hướng của âm thanh

•  Đứa trẻ muốn vặn đài hoặc vô tuyến to hơn hoặc nhỏ hơn

•  Đứa trẻ nói ít và phát âm ít

•  Quá trình phát triển ngôn ngữ bị chậm hoặc không phát triển

Giáo viên trong lớp học có thể tiến hành kiểm tra khả năng nghe của trẻ bằng một số cách đơn giản như:

•  Kiểm tra xem trẻ có phản ứng với âm thanh của cái xúc xắc hoặc dùng cái âm thoa: Có thể tiến hành kiểm tra như sau: một giáo viên sẽ đứng trước mặt trẻ và thu hút trẻ trong khi một giáo viên khác đứng phía sau và tạo âm thanh. Giáo viên đứng trước sẽ quan sát phản ứng của trẻ khi nghe thấy âm thanh ví dụ trẻ quay đầu về phía âm thanh, chỉ, lầm bẩm, bắt chước âm thanh, cười hoặc có những phản xạ nhất định .

•  Kiểm tra bằng cách nói thầm : Giáo viên đứng cách 3 mét, không để trẻ nhìn thấy và nói thầm; đứa trẻ phải nhắc lại từ hoặc chỉ vào những bức tranh hoặc các phần trên cơ thể mình.

Khi giáo viên có cảm giác rằng một học sinh trong lớp bị khiếm thính, giáo viên nên chuyển trẻ cho một bác sĩ để khám kỹ lưỡng hơn cho trẻ.

Khi cần và khi có dụng cụ trợ thính, cần tập dần cho trẻ CPTTT dùng dụng cụ trợ thính: tập cho chúng đeo trong một thời gian ngắn và cần thiết sau đó tăng dần thời gian và số lần đeo. Một điều quan trọng là đứa trẻ phải biết rằng khi có dụng cụ trợ thính thì trẻ nghe tốt hơn. Hãy bắt đầu cho trẻ đeo dụng cụ trợ thính trong những dịp vui.

1.4 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh khiếm thính trong lớp:

Khi có học sinh khiếm thính trong lớp học, giáo viên có thể làm những việc sau đây để giúp cho trẻ học tập tốt hơn:

•  Tạo một phòng yên tĩnh.

•  Nói một cách từ tốn và phát âm chuẩn, không lên giọng

•  Giữ khoảng cách khoảng 1,5 mét khi nói với trẻ, nhìn vào mắt trẻ khi đang nói chuyện, lôi cuốn sự chú ý của trẻ

•  Chú ý đến hình miệng, để trẻ có thể nhìn thấy mồm bạn rõ ràng khi bạn phát âm.

•  Nói những câu ngắn, nếu trẻ không hiểu thì nhắc lại bằng những từ khác hoặc thêm các điệu bộ vào lời nói.

•  Tạo cho trẻ góc nhìn bao quát căn phòng, không tiếp cận trẻ từ sau lưng, không nói vọng sang với trẻ từ một phòng khác

Ngoài ra, một điều quan trọng là trẻ phải được cung cấp những công cụ giao tiếp thay thế hoặc hỗ trợ như ngôn ngữ ký hiệu, cách dùng các đồ vật, tranh ảnh hoặc hình minh hoạ hoặc các loại phương tiện trợ giúp giao tiếp.

2. Khiếm thị

2.1 Thị lực và Thị trường

Trẻ khiếm thị là những trẻ có thị lực thấp hoặc mù và bị khuyết thị trường.

2.1.1 Thị lực .

Thị lực có nghĩa là mức độ sắc nét của thị giác. Khiếm thị có nghĩa là ngay cả khi có kính, thị lực là dưới 1/3 (=30%) và trên 3/60 (=5%): người đó nhìn được từ 5 tới 30 mét trong khi người bình thường nhìn được 100 mét.Cần nhớ rằng thị lực thông thường dao động từ 1,0 (=100%) tới 1/3 (=30%). Với tình trạng mù, thị lực ở dưới mức 3/60 (=5%).

2.1.2 Thị trường

Tiêu chí thứ hai để xem xét khả năng khiếm thị của trẻ: đó là thị trường). Khiếm thị có nghĩa là thị trường trong khoảng 10% và 30% (thị trường bình thường là 180 ° ). Với thị giác thông thường, thị trường là 30% tới 100%. Với tình trạng mù, thị trường có thể dưới 10%

2.2 Các nguyên nhân gây khiếm thị

Khiếm thị thường do các vấn đề có liên quan đến mắt:

•  Các sai lệch khúc xạ: viễn thị, cận thị, loạn thị.

•  Đục thủy tinh thể.

•  Lác.

•  Chứng giật cầu mắt.

•  Tổn thương võng mạc.

•  Teo dây thần kinh thị giác

•  Tổn thương não.

2.3 Phát hiện và điều trị khiếm thị

Tần số khiếm thị đối với người chậm phát trển trí tuệ là 60-75%. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ những người chậm phát triển trí tuệ được chẩn đoán về thị giác. Lý do là những người này thường không phàn nàn về khả năng nhìn kém của mình. Việc phát hiện vấn đề về nhìn ở trẻ chậm phát triển trí tuệ thường khó. Đôi khi vấn đề về nhìn được phát hiện quá muộn hoặc không bao giờ được phát hiện. Điều này tác động xấu tới sự phát triển vốn đã chậm của đứa trẻ và các kỹ năng giao tiếp, xã hội hoá sẽ bị đe doạ.

Quan sát cuộc sống hàng ngày có thể xác định liệu trẻ có khiếm thị hay không:

•  Đứa trẻ có vấn đề với việc đi lại: thường ngã, va vào đồ đạc hoặc người hoặc phải tìm kiếm chỗ vịn khi đi

•  Đứa trẻ thướng hấp háy mắt, nheo mắt hoặc dụi mắt

•  Đứa trẻ không nhìn vào mắt bạn, đưa các vật lên trước mắt

•  Đứa trẻ gặp khó khăn trong nhận ra người, khi làm việc bằng tay, đọc hay nhìn tranh

•  Đứa trẻ có tư thế đầu khác thường hoặc ngoảnh đầu từ bên này sang bên kia

•  Đứa trẻ khám phá các vật liệu nhờ vào cảm giác

•  Đứa trẻ ngồi ngay trước màn hình vô tuyến

•  Đứa trẻ không yên tâm và sợ khi ở trong bóng tối, khi đi từ chỗ sáng vào chỗ tối và sợ hãi khi phải ra khỏi nhà mình

•  Đứa trẻ đã phải đeo kính hoặc dùng kính mà không có hiệu quả.

Trong lớp học, giáo viên có thể tiến hành kiểm tra thị lực của trẻ ở một mức độ nhất định. Giáo viên có thể dùng những bài kiểm tra không chính thức như di chuyển đồ vật (bút sáng) và quan sát xem trẻ có theo dõi đồ vật bằng mắt hay không. Giáo viên cũng có thể dùng bảng chữ cái có các chữ cái từ to tới nhỏ.

Nếu giáo viên cho rằng một học sinh nào đó có vấn đề về thị lực thì giáo viên nên chuyển học sinh cho bác sĩ để kiểm tra kỹ hơn. Trong trường hợp trẻ viễn thị (đứa trẻ sẽ nhìn tốt với những vật ở cách xa mắt), trẻ cần một chiếc kính có thấu kính lồi để nhìn vật ở gần. Trong trường hợp cận thị (trẻ nhìn tốt với những vật ở gần mắt), trẻ cần kính có thấu kính lõm để nhìn những vật ở xa. Nên tập cho trẻ đeo kính dần dần giống như với đeo dụng cụ trợ thính ở trẻ khiếm thính.

Khi trẻ bị lác, hai mắt của trẻ sẽ nhìn hai hướng khác nhau. Nếu không được chữa trước khi 3 tuổi (bằng cách che con mắt tốt trong thời gian và chỉnh con mắt lác về vị trí thông thường hoặc phẫu thuật một cơ mắt) thì con mắt lác sẽ đưa hai hình ảnh lên não và sau đó nó sẽ không có được thị lực thông thường. Nhìn bằng một mắt sẽ gây ra những vấn đề về nhận biết độ sâu và làm giảm tầm nhìn.

2.4 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh khiếm thị trong lớp :

Nếu trong lớp học có học sinh khiếm thị, giáo viên có thể làm những việc sau để giúp học sinh học tập tốt hơn:

•  Cố gắng tránh tiếng ồn (đài, nhạc, các nhóm người ồn ào)

•  Bắt đầu nói khi đã vào phòng (trẻ có thể nhận ra giọng của giáo viên) và khi ở trong nhóm, hãy chỉ rõ rằng bạn đang nói chuyện với trẻ đó.

•  Đảm bảo đủ ánh sáng

•  Dùng những màu tương phản nhau hợp lý trong ăn, uống và các hoạt động khác.

•  Dùng cùng màu với một số đồ vật nhất định ( các loại cửa: cửa đi ra ngoài, cửa cho nhà nội trú)

•  Tránh gây thương tích bởi đồ đạc, cây trồng ngoài trời

•  Đánh dấu lối đi trong nhà và ngoài trời

3. Động kinh

3.1 Cơn động kinh

Não người có hàng tỷ tế bào thần kinh có chức năng chuyển các xung động thần kinh tới các tế bào khác. Các xung động này tạo ra các dòng điện cực nhỏ và có thể được đo bằng các điện cực (EEG).

Khi một cơn động kinh xảy ra, các tế bào thần kinh sẽ chuyển đi một lượng lớn các xung động xuống tuỷ sống và qua các dây thần kinh xuống các cơ hoặc các cơ quan trong cơ thể.

3.2 Tỉ lệ và các dạng động kinh

20% những người bị bệnh động kinh có nguyên nhân là do sự tổn thương đối với thuỳ não ( thường xảy ra do những nguyên nhân giống như nguyên nhân gây ra chậm phát triển trí tuệ). 80% còn lại không hề có tổn thương ở não và thông thường có thể hoạt động một cách bình thường.

Trong dân số, cứ 150 người thì có 1 người mắc bệnh động kinh (0,5 -1%)

Trong tất cả những người bị chậm phát triển trí tuệ, 30% mắc bệnh động kinh

Trong tổng số người bị động kinh, cứ 20 người thì có 1 người chậm phát triển trí tuệ

Có nhiều dạng động kinh và việc phân loại phụ thuộc vào nơi bắt đầu của cơn động kinh trên não. Khi tất cả các tế bào thần kinh trên não bắt đầu chuyển các xung động một cách đồng thời thì ta gọi là “ động kinh toàn bộ ” và thông thường dẫn đến mất nhận thức. Khi chỉ có các tế bào thần kinh ở một phần nào đó gây nên các xung động thần kinh thì ta gọi là “ động kinh từng phần ” và việc mất tự chủ có thể chỉ ở từng phần.

Cơn động kinh có nhiều dạng khác nhau.

A.Các cơn động kinh toàn phần

Hai dạng cơn động kinh phổ biến nhất là:

1. Cơn động kinh tăng trương lực cơ-co giật :

Khi cơn động kinh xảy, trẻ mất nhận thức hoàn toàn và ngã xuống với các cơ co cứng, đôi khi kèm theo tiếng gào (do không khí bị ép ra khỏi phổi). Đây được gọi là giai đoạn tăng trương lực của cơn động kinh, kéo dài 10-20 giây. Do cơ hàm bị cứng lại nên trẻ rất có thể cắn vào lưỡi làm chảy máu. Sự tuần hoàn tạm ngừng lại và mặt trẻ tái đi. Sau đó, giai đoạn co giật liên tục bắt đầu (10-30 giây) trong đó cơ co lại và giãn ra tạo nên các cử động co giật liên tục. Cũng trong giai đoạn này răng có thể cắn vào lưỡi làm chảy máu. Trẻ có thể đi tiểu. Các cơn co giật giảm dần và cuối cùng trẻ giật mạnh rồi ngừng hẳn trong trạng thái mất nhận thức. Con ngươi mắt giãn ra và mạch đập rất nhanh. Sau 1, 2 phút (đôi khi tới nửa giờ), sự nhận thức trở lại dần dần. Trẻ có thể bị lẫn lộn hoặc mất tập trung. Đôi khi trẻ nôn và bị đau đầu. Trong nhiều trường hợp, trẻ sẽ rơi vào một giấc ngủ sâu. Sau cơn động kinh thường là các cơ bị đau và nhiệt độ cơ thể tăng lên. Thỉnh thoảng sau một cơn động kinh mạnh, trẻ có thể liệt chân tay trong vài ngày (liệt sau động kinh)

2. Cơn vắng ý thức:

Thường diễn ra ở trẻ nhỏ, từ 10-30 giây, mất nhận thức; đứa trẻ nhìn chằm chằm, đôi khi mắt trợn ngược lên, cơ mặt giật nhẹ hoặc mắt nhấp nháy; sau khi đãng trí thì lại tỉnh táo trở lại; tình trạng này đôi khi xảy ra khá thường xuyên, đứa trẻ bỏ mất thông tin trong lớp học hoặc ghi bài lộn xộn.

Ngoài ra, cũng có một số dạng động kinh khác mà phổ biến là các dạng sau:

3. Cơn động kinh co giật :

Các cơn co giật cơ ngắn hoặc dài (đôi khi trông giống như phản ứng giật mình) ở tay hoặc chân; việc mất nhận thức xảy ra trong một thời gian ngắn (thường khó nhận thấy)

4. Cơn động kinh tăng trương lực cơ :

Cơ co cứng ở chân tay hoặc toàn thân (đứa trẻ có thể đi loạng choạng); trong vòng 10-30 giây, nhận thức không đầy đủ

5. Cơn động kinh giảm trương lực cơ:

Các cơ không cứng lại như với động kinh tăng trương lực cơ mà trái lại lại giãn ra, chủ yếu ở trẻ em, không có dấu hiệu báo trước, đứa trẻ bất chợt ngã xuống và có thể bị thương nặng (cần đội mũ bảo hiểm); trong 1-3 giây, mất nhận thức ngắn rồi lại đứng dậy ngay sau khi lên cơn.

B.Các cơn động kinh từng phần

1.Các cơn động kinh từng phần đơn giản (tên cũ: tai biến Jacksonian ):

Vẫn nhận thức bình thường, có dấu hiệu ở cử động với 1 chân hoặc tay (một cơ hoặc vài cơ giật), 5-60 giây; thường do tổn thương não.

2. Các cơn động kinh từng phần phức tạp:

“Phức tạp” được hiểu là trạng thái nhận thức chỉ bị giảm xuống hoặc ảnh hưởng. Thường có nguyên nhân trước cơn động kinh. Trẻ thường có những cử động bất tự chủ, ví dụ như vò xé hoặc rứt quần áo, cầm các đồ vật (cốc, bút), đi loanh quanh hoặc đi ra khỏi cửa, nhăn nhó hoặc nấc. Đứa trẻ sẽ không phản ứng với người nói chuyện với nó. Mặt trẻ tái xanh và con ngươi mở rộng. Những cơn động kinh như vậy kéo dài từ vài phút tới một giờ.

3.3 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh động kinh trong lớp:

Khi một học sinh trong lớp lên cơn động kinh tăng trương lực cơ-co giật, giáo viên nên làm những việc sau:

•  Bỏ kính và nới lỏng quần áo

•  Đặt vải, gối hoặc tay dưới đầu bệnh nhân

•  Bỏ các vật sắc đi (kính, cốc, xe đạp)

•  Đừng để cái gì vào giữa hàm răng vì hàm thường bị cứng lại

•  Đừng cố ngăn các cơn co giật ở chân và tay: chúng sẽ tự dừng lại

Sau cơn động kinh: đặt trẻ ở tư thế nghiêng: lưỡi không làm tắc cổ họng, nước miếng có thể chảy khỏi miệng. Máu do cắn vào lưỡi sẽ ngừng chảy nhanh. Đợi đến khi đứa trẻ nhận biết được điều gì vừa xảy ra. Đặt trẻ lên giường. Thông thường không cần cho trẻ đi bệnh viện.

Nếu giáo viên nghĩ rằng một đứa trẻ có thể bị động kinh thì giáo viên nên quan sát và ghi chép cẩn thận các cơn động kinh.

Mẫu ghi chép cơn động kinh bao gồm các thông tin:

•  Tên ( tên trẻ hoặc người điền vào mẫu), ngày, thời gian

•  Đứa trẻ có cảm thấy cơn động kinh báo trước hay không?

•  Cơn động kinh bắt đầu như thế nào? (tư thế, chuyển động của chân, tay, mắt, con ngươi, màu da, mồ hôi)

•  Có tình trạng cứng cơ trong giai đoạn đầu của cơn động kinh hay không?

•  Đứa trẻ có ngã không? ( hoặc có khả năng ngã nếu không được giúp đỡ)

•  Có tình trạng co giật cơ hay không ( ở chân, tay nào? )

•  Đứa trẻ có trợn mắt lên không?

•  Có những hành động mất tự chủ không? (vò xé, di chuyển đồ vật, đi lại, nói lầm bầm, nấc)

•  Trong suốt cơn động kinh, đứa trẻ có giận dữ hoặc thay đổi thái độ hay không?

•  Đứa trẻ có trở nên ngớ ngẩn, buồn ngủ, lẫn lộn sau cơn động kinh không hay lập tức nhận biết trở lại?

•  Đứa trẻ không phản ứng với người đối thoại trong bao lâu?

•  Mạch đập trong quá trình lên cơn là bao nhiêu?

•  Có những nhân tố phát bệnh hay không ? (xem phần trên)

•  Tai biến xảy ra có giống cơn động kinh hay không ?

•  Các điều khai báo khác ( việc đi tiểu, các vết thương, cắn lưỡi)

Khi giáo viên nghi ngờ rằng một học sinh có thể bị động kinh, giáo viên nên chuyển học sinh đó cho bác sĩ để chẩn đoán chính xác và điều trị. Trong thời gian điều trị, giáo viên cần báo cho bác sĩ và gia đình biết những cơn động kinh của trẻ tại trường.

Nếu giáo viên biết rằng một học sinh có động kinh ở dạng vắng ý thức, giáo viên cần nhớ rằng học sinh có thể bỏ mất thông tin trong lớp học, do đó cần minh hoạ bài học bằng hình ảnh để trẻ phục hồi nhận thức về bài học.

Cần nhớ rằng có một số nhân tố thường làm phát cơn động kinh: thiếu ngủ, kiệt sức, bị sốc, xúc động mạnh, sau khi tập thể dục, kinh nguyệt, hít thở mạnh, thay đổi nhiệt độ, sốt, tiếng ồn, những luồng sáng thay đổi (ví dụ như khi có bàn tay vẫy trước mắt, khi xem trò chơi điện tử, xem những hình ảnh vô tuyến nhanh, lái xe trên đường có bóng cây và nắng chiếu liên tục). Giáo viên cần tránh gây ra các nhân tố này trong lớp học.

4. Bại não

4.1 Bại não

Thuật ngữ “Bại não” được dùng để diễn tả trạng thái bệnh lý do thương tổn não ở vùng điều khiển vận động và giữ cân bằng cơ thể, do đó có ảnh hưởng tới sự rối loạn di chuyển của cơ thể và sự phối hợp các cơ. Bại não không phải là một tình trạng tiếp diễn. Tổn thương cho não xảy ra chỉ một lần và sẽ không bị xấu đi. Tuy nhiên, hậu quả của bại não có thể thay đổi theo thời gian. Một vài trường hợp bệnh nhẹ đi: ví dụ như một đứa trẻ bị bại não ở tay có thể dần điều khiển được tay để viết và tự mặc quần áo. Một vài trường hợp khác bệnh lại nặng thêm: các cơ bị co chặt lại có thể gây các vấn đề cho xương chậu và cột sống đối với trẻ đang lớn và do đó cần tới phẫu thuật chỉnh hình; quá trình lão hoá cũng diễn ra với những cơ thể không có hình dáng bình thường hoặc ít tập luyện.

4.2 Những tác động của bại não:

Các ảnh hưởng của bại não khác nhau đối với từng cơ thể. Ở mức độ nhẹ nhất, bại não có thể đưa đến sự vận động hoặc điều khiển tay hơi bất thường. Ở mức độ nặng nhất, bại não có thể đưa đến trạng thái gần như không thể điều khiển nổi các cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuyển động và phát ngôn. Phụ thuộc vào vùng nào của não đã bị chấn thương, có thể có một hoặc hơn những tác động sau:

- Cứng hoặc rung cơ

•  Cử động bất tự chủ

•  Có khó khăn với các kỹ năng vận động thô như đi hoặc chạy

•  Có khó khăn với những kỹ năng vận động tinh như viết và nói

•  Có khó khăn về nhận thức và cảm giác.

Những tác động này có thể gây ra những vấn đề tổng hợp như khó khăn trong việc ăn uống, khó điều khiển việc tiểu tiện, có khó khăn về thở và huyết áp hoặc chậm phát triển trí tuệ.

Cần chú ý:

•  Các chi bị ảnh hưởng bởi bại não không bị tê liệt và vẫn có thể cảm thấy đau, nóng, lạnh và áp lực.

•  Một người bị bại não rất khó nói năng nên nếu người đó không nói thì không có nghĩa là anh ta không có gì để nói.

•  Mức độ tàn tật thể chất của một người bị bại não không phải là một thông số về mức độ thông minh của người đó.

4.3 Những dạng khác nhau của bại não:

Bại não có thể được phân loại dựa trên các tiêu chí sau:

A.  Trương lực cơ

B.  Các phần của cơ thể bị ảnh hưởng

C.  Mức độ biểu hiện của bại não.

A.  Trương lực cơ:

Trẻ bị bại não sẽ bị tổn thương ở vùng não có chức năng điều khiển cơ bắp. Tuỳ thuộc vào nơi xảy ra chấn thương với não và mức độ lớn của chấn thương mà cơ bắp của trẻ có thể quá lỏng, quá chặt hoặc là cả hai. Trương lực cơ bắp khác nhau giữ chúng ta ở trong các tư thế khác nhau như đứng thẳng với đầu có thể quay các phía. Khi muốn di chuyển, chúng ta thay đổi trương lực cơ.

Trẻ bị bại não không có khả năng thay đổi trương lực cơ theo cách nhẹ nhàng và hợp lý, vì thế cử động của chúng thường giật hoặc run rẩy.

1. Bại não co cứng

Sự co cứng được hiểu là cơ không có khả năng giãn ra. Nếu trương lực cơ quá cao hoặc quá chặt thì người ta gọi là bại não co cứng. Trẻ em bị bại não co cứng sẽ có các cử động giật cục và cứng nhắc do các cơ quá chặt. Chúng thường khó chuyển từ tư thế này sang tư thế khác hoặc buông một vật đang nắm ra khỏi tay. Đây là dạng thường thấy nhất của bại não. Khoảng một nửa số người bại não là ở trạng thái bại não co cứng.

2.Bại não thất điều

Một dạng thường thấy khác của bại não là bại não thất điều, liên quan tới các vấn đề về thăng bằng và điều phối. Trẻ bị bại não thất điều trông rất mất thăng bằng và run rẩy. Chúng có thể rung người liên tục, giống như sự run rẩy ở những người rất già, nhất là khi chúng cố gắng làm việc gì đó như viết, lật trang sách hoặc cắt bằng kéo. Trẻ cũng khó giữ thăng bằng và thường đi lại loạng choạng. Do những cử động rung và những vấn đề trong phối hợp hoạt động của các cơ nên trẻ bị bại não thất điều có thể mất nhiều thời gian để viết hoặc làm công việc nghệ thuật.

3.Bại não múa vờn

Tình trạng múa vờn là biểu hiện của việc mất khả năng điều khiển cử động của các cơ. Bại não múa vờn là dạng bại não ở đó trương lực cơ luôn thay đổi: đôi khi quá lỏng hoặc quá chặt. Trẻ bị bại não múa vờn thường khó giữ tư thế thẳng và vững khi ngồi hoặc đi lại và thường biểu hiện nhiều cử động trên mặt, cánh tay và phần thân trên mặc dù chúng không chủ ý (những cử động ngẫu nhiên, bất tự giác). Những cử động này thường lớn. Với một vài đứa trẻ bại não múa vờn, chúng thường phải nỗ lực và tập trung rất lớn mới có thể đưa tay vào một điểm nào đó ( ví dụ như gãi mũi hoặc vươn tay lấy một chiếc cốc). Vì sự thay đổi trương lực cơ và những khó khăn trong giữ vững tư thế nên trẻ có thể không thể cầm nắm được đồ vật ví dụ như bàn chải răng hoặc bút chì, dĩa. Khoảng 1/4 những người bại não là ở dạng bại não múa vờn.

4. Bại não hỗn hợp:

Khi trương lực của một số cơ thấp và trương lực các cơ khác lại cao thì xảy ra hiện tượng bại não hỗn hợp. Khoảng 1/4 người bại não là ở dạng bại não hỗn hợp.

B. Những phần cơ thể bị ảnh hưởng:

Các trẻ bị bại não không chỉ khác nhau ở trương lực cơ mà còn khác nhau ở vùng cơ thể chịu tác động của bại não. Điều này phụ thuộc vào việc phần nào của não bị tổn thương và mức độ tổn thương.

1. Liệt nửa người

Liệt nửa người có nghĩa là bại não tác động tới một phía cơ thể của trẻ; vì thế chân, tay phải hoặc chân, tay trái sẽ bị tác động. Phần kia của cơ thể đứa trẻ vẫn hoạt động bình thường. Nhiều trẻ em bị liệt một nửa vẫn có thể đi lại, chạy nhảy mặc dù trông chúng cử động không được bình thường hoặc đi khập khiễng.

2.Liệt một chi

Liệt một chi có nghĩa là bại não chỉ tác động tới một chi (một chân hoặc một tay). Dạng bại não này không phổ biến và thường phối hợp với dạng liệt nửa người ở mức độ nhẹ.

3.Liệt hai chi

Một số trẻ có bại não chỉ ở chân hoặc chỉ trầm trọng ở chân hơn là ở tay. Đây được gọi là liệt hai chân. Trẻ bị liệt hai chân rất khó đi lại, chạy nhảy. Vì phần thân trên của trẻ không bị ảnh hưởng nên trẻ vẫn có thể giữ thẳng người và sử dụng tay thành thạo. Trường hợp liệt hai tay thay vì hai chân cũng có nhưng cực kỳ hiếm.

4. Liệt tứ chi

Là khi đứa trẻ có cả 4 chi bị ảnh hưởng của bại não. Thông thường trẻ bị liệt tứ chi gặp nhiều khó khăn khi cử động các phần của cơ thể, mặt và chân tay; trẻ có thể cần tới xe lăn. Do những vấn đề về điều khiển các cơ trên mặt và thân trên nên trẻ cũng gặp khó khăn khi nói và ăn uống.

C. Mức độ

Những thuật ngữ nặng, trung bình, nhẹ thường được dùng phối hợp với các thuật ngữ phân loại chức năng vận động và tự chủ ( ví dụ liệt co cứng hai chân); tuy nhiên những từ này không mang một ý nghĩa cụ thể nào. Chúng là những thuật ngữ mang tính chủ quan và nghĩa của chúng thay đổi tuỳ vào người sử dụng.

4.4 Các vấn đề khác liên quan tới bại não:

Ngoài những vấn đề về điều khiển các cơ cử động, trẻ bị bại não có thể có một vài vấn đề khác. Hầu hết các vấn đề này cũng do chấn thương não đã gây ra . Đó là các vấn đề:

4.4.1 Nói:

Vì bại não có thể ảnh hưởng tới cách một người cử động chân tay nên nó cũng ảnh hưởng tới việc người đó cử động mặt, đầu và miệng. Trẻ gặp khó khăn khi muốn nói rõ ràng. Lời nói của trẻ thường chậm, không rõ ràng và khuôn mặt trẻ trông hơi kỳ cục khi trẻ cố gắng diễn đạt.

4.4.2 Ăn:

Một số trẻ bị bại não vẫn giữ những phản xạ sơ sinh đối với miệng (ví dụ như phản xạ cắn) làm cho việc ăn uống của chúng rất khó khăn. Bởi vì rất nhiều cơ dùng vào việc phát ngôn cũng là cơ dùng cho việc ăn uống nên một vài trẻ trẻ bại não có thể không cắn, nhai và nuốt thức ăn được. Chúng có thể cũng gặp khó khăn với việc uống bằng ống hút hay mút một que kem. Hầu hết trẻ bại não có vấn đề với cử động khép miệng và do đó chúng thường hay há miệng và chảy nước miếng.

4.4.3 Khó học:

Khoảng 1/4 tới 1/2 trẻ bại não có khó khăn ở các dạng khác nhau khi học tập. Nó có thể chỉ là việc trẻ gặp khó khăn với một số môn học tại trường trong khi vẫn học các môn khác một cách bình thường hoặc có thể ở mức nặng trong đó trẻ bị chậm phát triển trí tuệ và học mọi thứ đều chậm chạp.

4. 4.4 Các cơn động kinh:

Khoảng 1/2 số trẻ bại não bị động kinh do chấn thương ở vùng đưa đến bại não.

4.4.5 Nhận thức và cảm giác không bình thường:

Rối loạn quá hiếu động và mất tập trung

Trẻ bại não có thể quá hiếu động, không thể ngồi yên và bẳn tính.

Mặt khác, trẻ có thể nhanh chán, quá chậm chạp, hay lo lắng và bướng bỉnh. Đôi khi trẻ quá nhạy cảm với những lời phê bình và thường không tự tin.

Tất cả những vấn đề này có thể do những trục trặc trong quá trình não trẻ xử lý và kết nối những thông tin mà chúng nhận được qua các giác quan (mắt, tai, da vv..). . Chúng thường lẫn lộn bên phải và bên trái, trên và dưới, phái trước và phía sau đồng thời có vấn đề với việc tập trung.

Khuyết tật về nhìn và nghe:

Tổn thương não thường dẫn đến các vấn đề về mắt và tai.

Biến dạng các khớp xương:

Khi các cơ có trương lực cao liên tục, chúng sẽ bị co thắt lại ở cánh tay, bàn tay, vai, hông, đầu gối và cổ chân. Nếu tình trạng co thắt này kéo dài, các khớp xương sẽ bị biến dạng.

Biến dạng của xương sống có nguyên nhân là do sự mất cân bằng về trạng thái cơ giữa bên phải và bên trái của cơ thể , nhất là ở trẻ bị liệt nửa người và liệt tứ chi.

4.5 Những điều giáo viên nên làm khi có học sinh bại não trong lớp:

Bại não được coi là một tình trạng vĩnh viễn không thể chữa khỏi được. Tuy vậy, có thể làm rất nhiều điều để giảm những tác động của bại não và giúp những người bại não có cuộc sống độc lập. Khi trong lớp có học sinh bị bại não, giáo viên có thể bắt đầu một chương trình quản lý trẻ sớm, bao gồm quan tâm tới kỹ năng vận động, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học, và sự phát triển về cảm xúc và xã hội của trẻ. Trong những chương trình này, giáo viên cần sự cộng tác của các bác sĩ, các nhà trị liệu, y tá, nhân viên xã hội ,các chuyên gia khác và sự hợp tác của gia đình. Có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật và dụng cụ đỡ để cải thiện việc điều phối cơ và thần kinh đồng thời ngăn những tai biến.

Một vài hình thức trị liệu thông thường như: vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu về nghề.

Một số dụng cụ đặc biệt có thể trợ giúp cho trẻ bại não như: Xe lăn, gậy chống, thanh vịn cố định trong nhà vệ sinh, dụng cụ ăn và bút chì đặc biệt, dụng cụ trợ giúp giao tiếp...