Skip to content

Thuyết Trình Ngắn 1

Giới thiệu sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em:

Định nghĩa Lời Nói và Ngôn Ngữ; Những yếu tố liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ; Những kỹ năng không lời (nonverbal) hoặc tiền nói (preverbal); Các giai đoạn giao tiếp.

Mời quý vị xem bài thuyết trình 1: https://it.umn.edu/services-technologies/resources/umconnect-retired-june-30-2021

Introduction to child language development:

Definitions of Speech and Language. Factors related to language development. Nonverbal or preverbal skills. Stages of communication. To view, click on website above.

Nội dung bài thuyết trình:

Quý vị có thể vừa nghe và vừa tham khảo nội dung ở dưới

Giới thiệu sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em

Đây là bài đầu tiên của 6 bài thuyết trình nối tiếp về việc giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ. Bài này giới thiệu những nguyên tắc cơ bản trong sự phát triển ngôn ngữ trẻ em. Trước tiên, chúng ta sẽ phân biệt giữa lời nói và ngôn ngữ. Lời nói là  những hoạt động phối hợp giọng nói và những cử động miệng cho việc giao tiếp. Chúng ta sử dụng môi, lưỡi, răng, vòm miệng, và dây thanh để phát ra nhiều âm khác nhau. Ngôn ngữ thì rộng hơn. Ngôn ngữ là phương tiện có hiệu quả nhất để giao tiếp. Ngôn ngữ là nguyên một hệ thống sử dụng cử chỉ, lời nói, và ký hiệu để đưa và nhận tin. Ngôn ngữ được chia ra thành hai phần: phần nhận thức và phần diễn đạt. Ngôn ngữ nhận thức là khả năng hiểu ý nghĩa của cử chỉ, ký hiệu, từ, câu, và đàm thoại. Ngôn ngữ diễn đạt là cách tỏ ra suy nghĩ bằng cử chỉ, ký hiệu, từ, câu, và đàm thoại.

Phần đông, trẻ em phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nhiều cha mẹ cảm thấy khi trẻ lớn lên trẻ ‘tự động’ biết nói. Nhưng có một số trẻ em chậm nói hoặc gặp vấn đề ngôn ngữ. Trong những trường hợp như vậy, trẻ sẽ cần sự giúp đỡ của cha mẹ, gia đình, và những người chuyên gia để trẻ phát triển ngôn ngữ.

Trước khi tập ngôn ngữ với trẻ, chúng ta nên biết về sự phát triển ngôn ngữ trẻ em và những yếu tố liên quan. Đây là một số yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ:

1)      Trẻ cần lớn lên trong môi trường an toàn và đầy tình thương để cảm thấy thoải mái và thích thú giao tiếp.

2)      Trẻ nên có tính khám phá. Trẻ em có tính khám phá sẽ tiếp xúc với người và đồ vật xung quanh thường xuyên hơn. Những trẻ chưa biết nói không biết cách khám phá hoặc tiếp xúc. Những bài thuyết trình sau đây sẽ nói về cách giúp trẻ em khám phá môi trường.

3)      Trẻ cần nhiều cơ hội tập ngôn ngữ. Nhiều lúc cha mẹ biết trẻ cần những gì trước khi trẻ nói ra. Nhưng để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, cha mẹ nên tạo nhiều cơ hội để cho trẻ chủ động tỏ ra nhu cầu của mình.

4)      Trẻ nên có nhiều cơ hội nghe cha mẹ nói rõ với văn phạm chính xác và từ vựng phong phú. Ngôn ngữ của cha mẹ là gương mẫu cho ngôn ngữ của trẻ.

Cùng với những yếu tố môi trường, có những yếu tố sức khỏe có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ:

5)      Thính giác tốt là một yếu tố rất quan trọng trong việc ngôn ngữ nhận thức. Trẻ tập nói cần có thính giác tốt và ổn định. Những trẻ bị viêm tai thường xuyên sẽ không nghe rõ, và việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm và học hỏi từ vựng của trẻ. Cha mẹ nên theo dõi sức khỏe tai của trẻ với bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ về thính giác để dự phòng và chữa viêm tai cũng như đo thính giác sau khi hết viêm.

6)      Để phát triển lời nói, trẻ cần phải có kết cấu và bắp cơ miệng bình thường. Những trẻ bị yếu bắp cơ miệng hoặc khó phối hợp cử động miệng vẫn có thể phát triển ngôn ngữ diễn đạt. Trong khi tập nói, nhiều trẻ tập diễn đạt qua hình ảnh, cử chỉ, và ký hiệu. Nhiều cha mẹ lo sử dụng hình ảnh, cử chỉ, và ký hiệu sẽ ngăn cản việc tập nói. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng hình ảnh và ký hiệu để tập giao tiếp sẽ giúp cho trẻ xây dựng một nền tảng ngôn ngữ vững chắc và lâu bền. Nhiều cha mẹ có trẻ tập giao tiếp qua hình ảnh và ký hiệu cho biết đó là những phương pháp củng cố việc tập nói.

7)      Sức khỏe não của trẻ rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện nói chung và sự phát triển ngôn ngữ nói riêng. Nếu trẻ bị vấn đề não do vấn đề y khoa hoặc tai nạn, cha mẹ nên theo dõi sức khỏe não với bác sĩ để xác định sự an toàn của não. Nhiều trẻ sinh ra bị chậm về trí tuệ như trẻ có bệnh Down, bại não, hoặc chậm phát triển toàn diện. Tuy vậy, trẻ chậm phát triển trí tụê vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ. Trẻ sẽ cần trị liệu một cách thường xuyên, đều đặn, và đặc biệt để khai thác tất cả khả năng cá nhân.

Trước khi trẻ biết nói, có một số kỹ năng trẻ cần phát triển. Phần này sẽ giới thiệu những kỹ năng gọi là  ‘không lời’ (nonverbal) hoặc ‘tiền nói’ (preverbal). Bài thuyết trình kế tiếp nhằm giúp trẻ phát triển những kỹ năng này:

Trẻ cần phải biết cách vận dụng đồ vật. Bình thường, trẻ em phát triển qua những bước này:

Biết đồ vật vẫn còn tồn tại tuy không còn thấy nữa.

Chơi với tất cả đồ vật một cách giống nhau, ví dụ như bỏ đồ chơi vào miệng.

Chơi với đồ vật theo hình dáng/chức năng (đẩy cho xe chạy, chải tóc cho búp bê, ném banh, v.v.)

Chơi với hai đồ vật cùng một lúc (quậy muỗng trong ly, cho búp bê bú bình sữa)

Chơi theo trình tự, nghĩa là chơi có bước 1, 2, 3 (cho búp bê bú, lau miệng cho búp bê, và đặt búp bê trên giường ngủ)

2)      Trước khi nói, bình thường trẻ biết kêu ra tiếng, bập bẹ và nói líu nhíu.

3)      Khả năng bắt chước. Ban đầu trẻ có thể bắt chước hành động như nhảy lên nhảy xuống. Sau đó trẻ sẽ bắt chước những hành động tay như vẫy tay và vỗ tay. Dần dần trẻ sẽ bắt chước tiếng người khác:  a a, ba ba.

4)      Kỹ năng nhìn vào đồ vật mà người khác đang chú ý.

5)      Kỹ năng chỉ vào đồ vật để làm người khác chú ý. Những trẻ biết đọc ý người khác sẽ bắt được ý nghĩ của người khác và giao tiếp dễ dàng hơn.

6)      Kỹ năng luân phiên.

Tôi vừa nói về những vấn đề cơ bản trong việc phát triển ngôn ngữ trẻ em. Xin qúy vị đọc tờ tóm tắt về “Các giai đoạn giao tiếp” để xem con mình hiện trong giai đoạn nào. Bài thuyết trình kế tiếp nhằm giúp trẻ em chưa biết nói phát triển những kỹ năng tiền nói.